Trung tâm Luật pháp nạn nhân mạng xã hội (SMVLC) đã nộp đơn kiện lên tòa án tại Los Angeles vào tuần trước, trong đó cáo buộc phần mềm TikTok cố tình và nhiều lần thúc đẩy thách thức này trên mạng, dẫn tới các chết của bé gái 8 tuổi tại bang Texas và bé gái 9 tuổi tại bang Wisconsin vào năm ngoái. Theo đơn kiện, thuật toán của TikTok đã khiến thách thức "Blackout" lan truyền rộng trong các trẻ em gái, đồng thời chỉ ra việc một số trẻ em tại Italy, Australia và một số nơi khác tử vong do có liên quan đến thách thức này.
Luật sư Matthew Bergman của SMVLC nhấn mạnh TikTok cần phải chịu trách nhiệm cho việc phổ biến nội dung độc hại này tới các trẻ em gái. Theo vị luật sư này, TikTok đã đầu tư hàng tỷ USD để thiết kế lại những sản phẩm với mục đích tuyên truyền những nội dung mà ứng dụng biết là nguy hiểm và có thể khiến người dùng tử vong.
Nguyên đơn cũng kêu gọi thẩm phán yêu cầu TikTok ngừng thu hút trẻ em bằng cách sử dụng thuật toán và lan truyền những thách thức nguy hiểm, cũng như bồi thường bằng tiền.
Theo tài liệu của tòa án, thời gian qua, TikTok đã chia sẻ và phổ biến một loạt thách thức đòi hỏi người dùng thực hiện một số hành động theo chủ đề, trong một số trường hợp là nguy hiểm. Trong số này có thách thức "Skull Breaker", yêu cầu đá vào chân nạn nhân khiến họ bị trượt ngã và đập đầu xuống sàn. Trong khi đó, thách thức "Coronavirus" bao gồm việc ngẫu nhiên liếm vào một số vật dụng và bề mặt tại nơi công cộng trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, thách thức "Fire" bao gồm việc nhúng đồ vật vào chất đốt rồi châm lửa.
Ứng dụng TikTok thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc). Hiện nền tảng này vẫn chưa phản hồi về thông tin trên.