Tiêu tiền theo cảm hứng
Sau gần 2 năm ra trường và đi làm, Nguyễn Hoàng Lan (24 tuổi, nhân viên kế toán một công ty tại quận 1) luôn muốn “nhảy việc” để tìm một mức lương cao hơn. Lan kể: “Mức lương hiện tại của tôi không phải quá thấp, nhưng chỉ vừa đủ cho chi tiêu cá nhân thoải mái một chút, còn du lịch thì cũng chỉ đủ cho những chuyến đi ngắn ngày. Tôi muốn tìm công việc mới, mức lương cao hơn, để có những khoản dư kha khá cho sau này”.
Cũng như Lan, gần như mỗi dòng điện thoại cao cấp ra mắt, Trần Ngọc Hoàng (26 tuổi, nhân viên điện tử, ngụ quận 7) đều có trong tay.
“Mỗi lần điện thoại ra dòng mới là tôi ra tiệm để đổi ngay, biết là mình không dùng hết chức năng của nó, nhưng một khi đã mê đồ công nghệ mà mình không được xài thì hụt hẫng lắm. Có tháng, tôi gom hết lương để đổi điện thoại rồi mua luôn bộ phụ kiện mới đi kèm, thiếu thì xoay mượn bạn bè đỡ, tháng sau có lương trả nợ, mình vẫn đi làm mỗi ngày thì lo gì”, Hoàng nói.
Nói đến chuyện dành dụm hay đầu tư để có thêm những khoản dư, Hoàng chia sẻ: “Tôi thấy bạn bè lãnh lương ra thì cứ xài thôi, như tôi thích đồ công nghệ thì mua, có đứa thích chơi xe còn tốn kém hơn. Đầu tư hay quản lý tiền bạc, tôi cũng chưa nghĩ đến”.
Hiện tại có không ít khóa học và các quỹ đầu tư tài chính dành cho người trẻ, được chào mời liên tục trên mạng xã hội và gửi thông tin chi tiết đến hộp thư cá nhân. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu khóa học hay đầu tư vào lĩnh vực gì, các bạn trẻ nên cẩn thận, tìm hiểu kỹ để tránh đầu tư vào những nơi không an toàn. |
Học cách quản lý tiền
Để bản thân luôn chủ động và tránh những tình huống “rỗng ví”, nhiều bạn trẻ bắt đầu tìm hiểu và học cách quản lý chi tiêu cá nhân, đầu tư tài chính ngay thời điểm còn là sinh viên. “Lợi thế là tôi học về kinh tế, nên có biết chút về chuyện đầu tư tài chính. Hầu như hội thảo nào về các quỹ đầu tư cho giới trẻ, tôi cũng tham dự và tìm hiểu. Tôi lập một nhóm trên mạng xã hội, để những bạn có kiến thức về các quỹ đầu tư cùng nhau chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và giúp nhau tránh những rủi ro trong chuyện đầu tư”, Lê Ngọc Lợi (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM) chia sẻ.
Đầu tư tài chính được hiểu là việc sử dụng khoản tiền nhàn rỗi để có thêm lợi nhuận, gia tăng vốn ban đầu bằng nhiều việc như mua bán cổ phiếu, trái phiếu hoặc các công cụ tài chính khác. Đây được nhiều người ví là hình thức để “tiền đẻ ra tiền”. Việc đầu tư tài chính trong giới trẻ khá phổ biến ở một số nước như: Mỹ, Anh, Singapore…, khi các bạn trẻ bắt đầu tự lập và lo chi phí học đại học từ năm 18 tuổi.
Trong buổi hội thảo tìm hiểu và giới thiệu quỹ đầu tư cho giới trẻ trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Nguyễn Thiện Toàn (23 tuổi, nhân viên IT) chia sẻ: “Tôi được người quen giới thiệu và hướng dẫn, bắt đầu từ năm 2 đại học, tôi đã có khoản nhỏ đầu tư vào chứng khoán, đến hiện tại cũng lời kha khá. Bây giờ, ra trường đi làm và bắt đầu có lương, nên tôi cũng muốn tìm hiểu để đầu tư thêm”.
Không chỉ đầu tư tài chính để tạo thêm những khoản dư cho bản thân, chuyện quản lý chi tiêu cũng được nhiều người trẻ bắt đầu quan tâm. “Bản thân tôi không biết nhiều về chuyện tài chính hay đầu tư, nhưng sau nhiều lần bị hụt tiền vì vung tay quá trán, tôi bắt đầu lập sổ chi tiêu. Vài tháng đầu, tiền lương và chi tiêu cân bằng, sau đó thì cố gắng để mỗi tháng có dư một chút, coi như là động lực để mình làm việc nhiều hơn”, Việt Hà (25 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết.
Học cách quản lý và đầu tư tài chính không chỉ giúp người trẻ tránh được tình trạng “tiền bao nhiêu cho đủ”, tạo thêm nguồn thu mà đôi khi còn là bước đệm để bắt đầu con đường khởi nghiệp.
“Đọc một số sách và tài liệu trên mạng, tôi thấy chuyện đầu tư tài chính giúp bản thân mình chủ động hơn trong nhiều việc, vì không lo bị thiếu hay hụt tiền. Nhất là những bạn học về kinh tế, nhạy bén hơn thì có thể tận dụng các quỹ đầu tư để khởi nghiệp mà không quá lo về chuyện gọi vốn ban đầu. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ ở mức nhỏ và vừa thôi, không thể đem ra so sánh với những quỹ đầu tư của các doanh nhân hay doanh nghiệp được”, Thiện Toàn cho biết thêm.