Mua bán nhanh gọn
Vừa trò chuyện với khách mua hàng, chị Ngọc Trang (tiểu thương chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình) vừa tranh thủ gửi mẫu hàng qua Zalo, Viber cho một khách “ruột” ở tỉnh Bình Phước. Khách hàng mua quần áo, túi xách của chị Trang có mặt ở nhiều tỉnh, thành thuộc khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. “Bạn hàng quen biết nhiều năm nên tin tưởng nhau. Nhiều lúc họ bận không vào TPHCM lấy hàng được, tôi sẽ gửi mẫu qua mạng xã hội Zalo, Facebook, Viber… để họ lựa chọn. Toàn bộ hàng sẽ được đóng thùng vận chuyển đến tận nhà cho khách. Đồng thời, khách hàng sẽ chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng của tôi”, chị Trang cho hay.
Chia sẻ về công việc kinh doanh hiện tại của mình, chị Ngọc Thúy (tiểu thương chợ Bến Thành, quận 1) cho biết, hầu hết bà con kinh doanh đều có địa chỉ bán hàng riêng trên mạng nên doanh thu cũng tốt hơn. Những đặc sản trái cây, khô cá, khô thịt (bò, heo, nai…) đều được phân phối sỉ hoặc lẻ ở khắp các địa phương trong nước và cả nước ngoài. Việt kiều xa quê từ Mỹ, Australia, Canada… cũng gọi về đặt hàng. Tiểu thương xác định, chợ Bến Thành là bộ mặt thu hút khách hàng, du khách gần xa nên việc đầu tư, sàng lọc sản phẩm cũng kỹ hơn.
Ông Nguyễn Văn Tách (ngụ tỉnh Vĩnh Long), chuyên lấy hàng quần áo thời trang tại các chợ sỉ ở TPHCM, đánh giá so với 10 năm về trước, việc nở rộ của công nghệ thông tin hiện nay đã giúp tiểu thương cũng như người mua hàng đỡ vất vả hơn. “Trước đây, tôi phải đón xe từ Vĩnh Long, sau đó rong ruổi, xuôi ngược tới chợ An Đông, Bến Thành… gom hàng, tìm mẫu quần áo phù hợp với sở thích của người tiêu dùng ở tỉnh. Còn hiện nay, tôi nói chuyện với tiểu thương và xem sản phẩm qua trực tuyến. Cả hai cùng thỏa thuận giá bán, phương thức chuyển hàng, cách giao tiền… nên tiện lợi vô cùng”, ông Tách phấn khởi.
Tăng khả năng thích ứng
Nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, lĩnh vực kinh doanh trực tuyến đang phát triển mạnh, dẫn đến thực trạng chợ truyền thống mất dần vị thế phân phối hàng hóa, giảm sức cạnh tranh. Thậm chí, nhiều chợ truyền thống “đuối sức” buộc tiểu thương phải đóng cửa sạp. Chính vì sức ép cạnh tranh cũng như yêu cầu phải chủ động hội nhập, tăng khả năng thích ứng với tình hình kinh doanh mới, nhiều tiểu thương tại TPHCM đã tận dụng ưu thế mạng xã hội để kết nối, chia sẻ thông tin với bạn hàng nhiều hơn. Chính vì vậy, thời gian gần đây song song với việc xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành còn có việc xúc tiến đưa hàng vào phân phối ở TPHCM trực tiếp của các tiểu thương với nhau. Nhiều chủ vựa ở chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức (TPHCM) đã có các buổi tư vấn, trao đổi trực tiếp với bạn hàng ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long… về sức tiêu thụ, yêu cầu về mẫu mã, chất lượng sản phẩm các mặt hàng trái cây, giỏ xách được làm từ lục bình, sen, thổ cẩm từ các tỉnh miền Trung, Tây Bắc…
Thêm nữa, một số tiểu thương cũng công bố rộng rãi các sản phẩm đặc sản của quê nhà trên các trang web xúc tiến đầu tư địa phương, trang thương mại điện tử… Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, nhận xét ngành bán lẻ truyền thống nước ta cực kỳ tiềm năng, điển hình là những cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống… cũng đã nhanh chóng nhập cuộc qua mua bán online. Chính nền tảng của công nghệ đã hỗ trợ rất nhiều cho việc chuyển đổi, thích ứng của tiểu thương nói riêng và kinh doanh thương mại điện tử nói chung. Tuy vậy, bà con cũng phải xem lại việc kinh doanh của mình bằng cách lấy hàng đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm… Vì người tiêu dùng ngày càng khó tính, họ yêu cầu những sản phẩm thực sự chất lượng, an toàn vì sức khỏe và môi trường sống.