Tiểu thương bám chợ, buôn bán dần phục hồi

Đến nay, hầu hết chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM đã hoạt động trở lại với phương châm vừa phòng dịch, vừa từng bước phục hồi mua bán. Dù sức mua chưa cao, nhưng nhiều tiểu thương phấn khởi vì có việc làm, có thu nhập sau thời gian giãn cách xã hội.
Tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) bám chợ buôn bán, phục hồi kinh tế
Tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) bám chợ buôn bán, phục hồi kinh tế

Những tín hiệu tích cực

Thời gian qua, tiểu thương chợ Bình Thới (quận 11) rất phấn khởi khi lượng người đến chợ mua sắm dần tăng lên, nhất là những ngày cuối tuần. Vui nhất là những tiểu thương kinh doanh các mặt hàng như quần, áo, mỹ phẩm, giày dép…; vì sau một thời gian dài được hoạt động nhưng buôn bán ế ẩm, thì việc kinh doanh nay đã có dấu hiệu khởi sắc. 

Bà Lê Hồng Nguyệt (chủ quầy hàng K231, bán mặt hàng vải) cho biết, so với thời điểm được bán lại tại chợ cách đây hơn một tháng nhưng ế ẩm, thì khoảng 10 ngày trở lại đây bắt đầu có người đến hỏi mua. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy người dân đã bắt đầu đi chợ truyền thống trở lại.

Còn tiểu thương Nguyễn Hoàng Mỹ (chủ quầy hàng K140) chia sẻ, ngay khi chợ được hoạt động trở lại từ đầu tháng 10, bà đăng ký bán lại ngay, không tính đến chuyện lời lỗ. “Là người lớn tuổi, tôi rất ngại dịch bệnh. Nhưng làm nghề buôn bán, không bỏ chợ được”, bà Mỹ tâm sự. 

Tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) là chợ chuyên bán các mặt hàng quần áo, thời trang, giày dép…), lượng khách đến chợ mua sắm chuyển biến từng ngày. Các tiểu thương ở chợ hy vọng tình hình dịch bệnh ngày càng lắng xuống để có thể buôn bán thuận lợi hơn trong dịp tết sắp đến. Họ cho biết sẽ kiên quyết bám chợ dù tình hình hiện tại còn nhiều khó khăn. Không chỉ lượng khách đến chợ truyền thống ngày càng tăng, thống kê của các ban quản lý (BQL) chợ cho thấy, lượng quầy hàng mở bán trở lại cũng tăng dần theo thời gian so với lúc vừa được trở lại hoạt động.

Tại chợ Bình Thới, số quầy hoạt động trở lại là 80%; tại chợ Phạm Văn Hai, con số này tăng từ 20% lên 60%, tại chợ Bà Chiểu từ 40% tăng 60%, tại chợ Phùng Hưng đạt gần 100%... Nhiều chợ khác trên địa bàn TPHCM cũng từng bước phục hồi.

Hoạt động an toàn

Cùng với lộ trình nối lại sản xuất, phục hồi kinh tế, các chợ truyền thống tại TPHCM hoạt động trở lại từng bước theo phương châm an toàn tới đâu, mở cửa tới đó. Các BQL chợ cũng có các phương án, giải pháp phòng chống dịch Covid-19 khi chợ trở lại hoạt động, cũng như để tiểu thương yên tâm bám chợ buôn bán.

Ông Thái Bình Sơn, Trưởng BQL chợ Phạm Văn Hai, cho biết, để trở lại hoạt động, tiểu thương phải tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc khỏi bệnh đủ thời gian quy định. Thời gian đầu tiểu thương còn e ngại, nhưng BQL đã tuyên truyền, động viên tiểu thương bám chợ, mở cửa kinh doanh, phục hồi buôn bán.

Ông Huỳnh Thanh Trường, Trưởng BQL chợ Bà Chiểu, chia sẻ, BQL chợ đã xây dựng nhiều phương án để tiểu thương an tâm bám chợ trong tình hình dịch bệnh vẫn còn. BQL chợ cũng chuyển mục đích sử dụng phòng làm việc của trưởng ban làm khu vực cách ly tạm thời cho ca mắc Covid-19 nếu phát hiện tại khu vực chợ. Ông Trường thông tin, tình hình buôn bán của tiểu thương đã khởi sắc hơn, BQL chợ đang chuẩn bị lên kế hoạch bán tết.

“Vào thời điểm này năm ngoái, tiểu thương đã nhập hàng để bán tết. Tuy nhiên hiện nay thì chưa, do dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn. Tiểu thương cũng đã thích nghi dần, dù kế hoạch bán hàng tết có chậm hơn mọi năm nhưng được quay lại chợ là họ rất mừng”, ông Trường nói.

Ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng BQL chợ Bình Thới, thông tin: “Chợ Bình Thới đã bắt đầu xây dựng kế hoạch buôn bán dịp cuối năm, Tết Nguyên đán. Trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, BQL chợ sẽ tính toán phương án, tạo điều kiện để các tiểu thương buôn bán, vừa đảm bảo phòng dịch”.

Để tạo thêm điều kiện cho hoạt động buôn bán của tiểu thương, BQL chợ Phùng Hưng đã đề xuất xem xét lại vấn đề thu phí vệ sinh trong thời gian dịch bệnh và đã được Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5 chấp thuận giảm 80% phí vệ sinh môi trường, phí quét rác tại chợ trong 3 tháng giãn cách và giảm 50% trong tháng 10.

Bà Sử Thị Kim Thoa, Trưởng BQL chợ Phùng Hưng, cho biết, qua thời gian hoạt động trở lại, nhận thấy mãi lực của chợ còn yếu và hoàn cảnh tiểu thương còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, BQL chợ xem xét miễn tiền phí vệ sinh môi trường từ tháng 7 đến tháng 10, giảm 30% phí diện tích bán hàng.

Đoán trúng tâm lý khách hàng ngại tiếp xúc nơi đông người, để có thêm khách hàng, tiểu thương đã sáng tạo nhiều cách bán hàng qua mạng, qua điện thoại rất hiệu quả. Đây là những cách làm để thích nghi điều kiện mới, cũng như góp phần hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh mà vẫn đảm bảo kinh doanh. Tiểu thương các chợ sử dụng thêm kênh bán hàng online, app Utop của các chợ.

Các tiểu thương chợ Phùng Hưng (quận 5), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) treo thêm các bảng hiệu với đầy đủ thông tin, số điện thoại để khi cần, người dân có thể đặt hàng và được giao tận nhà.

Tin cùng chuyên mục