Ngày 9-6, Cục Thi Hành án dân sự TP.HCM phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan TP.HCM đã tiến hành tiêu hủy lô hàng thời trang quần Jean cao cấp nhái thương hiệu Levi’s nổi tiếng có tổng trị giá 1,5 triệu USD (khoảng 33 tỷ đồng) ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Theo đó, vào giữa tháng 11-2013, Công an phường Thới An, quận 12 phối hợp với đội quản lý thị trường 12B (QLTT) đã phát hiện công ty TNHH một thành viên SX – TM Gia Đào nằm ở đường TA 16, phường Thới An, quận 12, TP.HCM do bà Nguyễn Thị Thu Pha (SN 1980) làm giám đốc.
Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều tang vật như : 18.216 cái quần Jean thành phẩm, 960 cái bán thành phẩm nhái thương hiệu Levi’s cùng 144 kg nhãn mác, khuy, nút và 24 bộ máy may, máy vắt sổ, máy dập nhãn…nhái thương hiệu Levi’s nổi tiếng.
Kết quả điều tra xác định, Công ty Gia Đào có ký Hợp đồng may gia công quần áo số 01/GD-RL ngày 23-7-2013 với thương nhân nước ngoài là Công ty Ramon Lazama. Công ty có đăng ký hợp đồng gia công với Chi cục Quản lý hàng gia công thuộc Cục Hải quan tại TP.HCM và nhập khẩu 2 container hàng nguyên liệu vải từ nước ngoài về theo chỉ định từ hợp đồng gia công và may quần Jeans thành phẩm.
Theo nội dung hợp đồng, Công ty Gia Đào có trách nhiệm gia công cho Công ty Ramon Lazama 50.000 áo sơ mi các loại và 100.000 quần các loại, thành phẩm xuất khẩu có gắn nhãn hiệu “Made in Việt Nam” với tổng trị giá 130 ngàn USD. Tuy nhiên, trên thực tế Công ty Gia Đào lại sản xuất sản phẩm quần Jeans gắn nhãn hiệu Levi’s và xuất xứ “Made in Mexico”. Lý giải về việc này, Nguyễn Thị Thu Pha cho rằng, do Công ty Ramon Lazama yêu cầu nhưng không thể hiện bằng văn bản.
Theo đánh giá của cơ quan điều tra, “mặc dù Nguyễn Thị Thu Pha cho rằng việc gắn nhãn hiệu Levi’s và nhãn xuất xứ “Made in Mexico” là do đối tác yêu cầu nhưng Pha không cung cấp được bất cứ văn bản nào để chứng minh. Bản thân Pha biết rõ nhãn hiệu Levis là nhãn hiệu nổi tiếng, nhưng Pha chưa được sự cho phép của Công ty Levis Trauss & Co để sản xuất quần Jeans nhãn hiệu Levi’s là sai phạm”.
Qua làm việc, bà Pha khai nhận đã ký hợp đồng gia công áo sơ mi, quần các loại cho một công ty ở Venezuela, có gắn nhãn mác “made in Việt Nam” với tổng giá tiền là 130 ngàn USD.
Tuy nhiên, phía công ty của bà Pha đã tiến hành sản xuất quần Jean mang nhãn hiệu Levi’s, có ghi xuất xứ là “made in Mexico”. Việc sản xuất không được hãng Levi’s có trụ sở ở Mỹ ủy quyền.
Đến giữa tháng 5-2015, do vi phạm về "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp", bà Pha bị TAND TP HCM tuyên phạt 50 triệu đồng. Ngoài ra, bà Pha còn phải bồi thường cho hãng Levi’s gần 127 triệu đồng (tổn thất về uy tín, chi phí luật sư và các chi phí khác).
Đồng thời, các máy móc, phương tiện sản xuất như máy may, máy vắt sổ, máy dập nhãn dùng để sản xuất hàng giả để sung công và tịch thu, tiêu hủy toàn bộ số quần giả nhãn hiệu thành phẩm, bán thành phẩm…bị tịch thu sung công quỷ.
Mới đây, QLTT 12B chuyển giao toàn bộ số tang vật cho Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM tiến hành tiêu hủy theo thẩm quyền.
Trong 5 tháng đầu năm 2017, Chi cục QLTT TP HCM đã kiểm tra 198 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, trị giá tang vật khoảng 1,5 tỉ đồng, phạt hành chính 1,6 tỉ đồng. Thống kê về số nhãn hiệu bị giả phần lớn là ở nước ngoài như: Chanel (36 vụ); Nike và Adidas (44 vụ); Louis Vuitton (11 vụ); Tommy (10 vụ); đồng hồ Gucci, Omega, Rolex, Muller… (43 vụ); CK (9 vụ).