Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò là một bệnh lạ, mới xâm nhiễm vào Việt Nam từ tháng 10-2020.
Đến nay, cả nước đã ghi nhận 2.306 ổ dịch tại 32 tỉnh, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh hơn 60.000 con, trong đó đã có 9.600 con bị chết hoặc buộc phải tiêu huỷ để diệt trừ nguy cơ lây lan.
Diễn biến dịch hiện nay tiếp tục phức tạp và lây lan nhanh. Để ngăn chặn dịch lây lan, các địa phương đã lên kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 30 tỉnh, thành phố trên cả nước tiến hành tiêm phòng vaccine cho đàn trâu, bò với hơn 1,5 triệu liều.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y, đến nay, các doanh nghiệp đã nhập về 2,78 triệu liều vaccine và đã cung ứng trên 1,5 triệu liều cho 30 tỉnh, thành phố để tiêm phòng. Trong kho của các doanh nghiệp còn hơn 1 triệu liều và sẽ tiếp tục nhập khẩu thêm 1,34 triệu liều trong tháng này.
Theo ông Nguyễn Văn Bách, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh thuốc thú y Amavet – một trong ba doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu vaccine viêm da nổi cục cho rằng: “Phải chủ động tiêm phòng trước. Nếu chờ xuất hiện dịch mới tiêm phòng thì rất khó khăn vì dịch đã lây lan ra hơn 30 tỉnh và thành phố. Sau khi tiêm phòng 21 ngày, vaccine mới phát huy hiệu quả”.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cảnh báo ngành chăn nuôi đang đối mặt nguy cơ dịch bệnh khi dịch tả heo châu Phi đã quay trở lại ở nhiều địa phương.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cảnh báo nguy cơ dịch viêm da nổi cục lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển như: ruồi, muỗi, ve, mòng…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kêu gọi “các địa phương đẩy nhanh tỷ lệ tiêm phòng vaccine trên đàn trâu, bò”.
Các địa phương cần xây dựng kế hoạch tiêm vaccine và tăng cường tuyên truyền để người chăn nuôi nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, tuyệt đối không bán chạy trâu, bò nghi nhiễm bệnh, không giết mổ buôn bán, vận chuyển trâu, bò mắc bệnh.