Tiểu đường không phải là bệnh nan y

Kỳ sau: Tại sao bị bệnh tiểu đường?

Qua các chương trình tầm soát, chúng tôi phát hiện tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường ở TPHCM rất cao. Đáng lo là nhiều bệnh nhân chưa hiểu đúng và hiểu rõ về bệnh tiểu đường, chưa lường được căn bệnh này tai hại đến thế nào.

Tuy lạm dụng chất đường là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kiệt lực của tụy tạng- cơ quan giữ nhiệm vụ điều chỉnh lượng đường trong máu - nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra bệnh tiểu đường. Nhiều người kiêng cữ đúng cách vẫn bị bệnh!

Giới hạn chất ngọt trong khẩu phần ăn là đúng nhưng dù có làm được như thế mà không quan tâm đến ảnh hưởng của stress, bệnh gan, bệnh đường ruột mãn tính, hậu quả của việc lạm dụng dược phẩm, chế độ dinh dưỡng đơn điệu, cũng như tình trạng béo phì, không sớm thì muộn bệnh tiểu đường cũng đến “gõ cửa”.

Bệnh này khó chữa phần lớn do thái độ chủ quan của nhiều người. Các thầy thuốc nên chủ động tầm soát bệnh tiểu đường, kể cả khi người bệnh chưa có dấu hiệu bệnh lý điển hình (như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều); các nguyên nhân khác như cao huyết áp, dị ứng - thậm chí sau thời gian điều trị bệnh nào đó mà không thấy hiệu quả như mong muốn.

Bệnh tiểu đường sẽ không diễn tiến trầm trọng nếu bệnh nhân không ỷ lại vào vài viên thuốc mà xem thường vai trò của chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt vận động cũng như biện pháp kiểm soát biến chứng. Với không ít thầy thuốc và bệnh nhân, xin đừng cúi đầu phó mặc cho định mệnh.

Không như tiên lượng bi quan của ngành y ở những thập niên trước, tiểu đường vẫn là bệnh khó chữa nhưng không phải là bệnh nan y trong mọi trường hợp. Với tiến bộ của kỹ thuật và phương tiện điều trị, việc kiểm soát cũng như ngăn chặn biến chứng của bệnh tiểu đường là điều hoàn toàn khả thi, nếu bệnh được:

- Phát hiện sớm trước khi sức đề kháng chỉ còn là số 0.
- Điều trị đúng bài bản trên quan điểm toàn diện thay vì chỉ chạy theo triệu chứng.
- Chữa chạy với sự cộng tác chủ động của người bệnh và sự cảm thông của thân nhân.
- Dự phòng biến chứng thay vì chỉ tập trung vào bệnh chứng trước mắt.

Bệnh tiểu đường chỉ chiếm thế “thượng phong” khi “ê-kíp” hỗ trợ người bệnh “chưa đánh đã thua” vì điều kiện tiên quyết chính là đừng sợ căn bệnh.

Dù chương trình phòng chống bệnh được đẩy mạnh nhiều năm qua ở CHLB Đức nhưng vẫn có trên 7 triệu nạn nhân và ít nhất 4 triệu người khác mắc bệnh tiểu đường chưa được phát hiện.
----------
Kỳ sau: Tại sao bị bệnh tiểu đường?

Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG

         Tầm soát bệnh tiểu đường miễn phí
Từ 8 giờ đến 11 giờ 30 ngày 13-1, Phòng Khám đa khoa Tân Định (146 Bis Võ Thị Sáu, phường 8, quận 3, TPHCM) sẽ tổ chức một chương trình tầm soát bệnh tiểu đường miễn phí với phần tư vấn của bác sĩ Lương Lễ Hoàng. Để bảo đảm chất lượng phục vụ, phòng khám chỉ nhận tầm soát 100 độc giả đăng ký trước với cô Thùy Dung, theo số điện thoại 2110207.

Tin cùng chuyên mục