Theo Ủy ban châu Âu, tiêu thụ thực phẩm là nguyên nhân chính khiến người dân châu Âu tác động tiêu cực đến môi trường. Sản xuất lương thực chiếm khoảng 1/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới. Phần lớn trong số đó đến từ thịt và sữa, với gần 15% lượng khí thải toàn cầu. Sản xuất thực phẩm cũng gây ra các vấn đề khác, chẳng hạn như mất đa dạng sinh học, ô nhiễm đất và thiếu nước. Các quốc gia có thu nhập cao có mức tiêu thụ thực phẩm tính trên đầu người cao nhất thế giới. Đồng thời, Liên hiệp quốc ước tính rằng, các hộ gia đình trên toàn cầu vứt bỏ 11% tổng số thực phẩm còn có thể sử dụng, mặc dù số liệu thống kê này không bao gồm các quốc gia có thu nhập thấp. Vậy tại sao chúng ta mua nhiều thực phẩm hơn mức chúng ta có thể ăn?
Theo bà Janet Chrzan, nhà nhân chủng học dinh dưỡng từ Đại học Pennsylvania, Mỹ, nỗi sợ đói vô thức của loài người có thể xuất phát từ thời kỳ thức ăn khó kiếm. Bên cạnh thực tế là con người cần thực phẩm để tồn tại, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc chúng ta mua sản phẩm nào ở siêu thị. Người mua hàng thường bị ảnh hưởng nhiều từ giá cả, nhưng các yếu tố khác như tiếp thị, mối quan tâm về sức khỏe, hương vị, sự tiện lợi, tính bền vững và thể hiện bản sắc hoặc giá trị cũng có thể đóng một vai trò trong loại thực phẩm chúng ta chọn mua. Hành vi tiêu dùng của chúng ta nổi tiếng là khó thay đổi, vì lựa chọn thực phẩm và cách ăn uống đã gắn liền với cách chúng ta sống.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khí hậu cho rằng, sự thay đổi, bao gồm cả việc điều chỉnh chế độ ăn uống, chính là điều cần thiết để giảm lượng khí thải nhà kính từ thực phẩm. Điều đó có nghĩa là nên ăn ít thịt đỏ và ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật hơn.
Một cuộc khảo sát năm 2020 xem xét thái độ của người tiêu dùng đối với thực phẩm bền vững ở 11 quốc gia Liên minh châu Âu cho thấy, chi phí là rào cản chính khiến mọi người khó mua sản phẩm xanh hơn, cùng với việc thiếu thông tin và thách thức trong việc xác định các lựa chọn thực phẩm bền vững. Theo nghiên cứu của Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu có trụ sở tại Brussels, 2/3 người tiêu dùng cho biết họ sẵn sàng thay đổi thói quen ăn uống vì lý do môi trường, sẵn sàng giảm lãng phí thực phẩm, mua nhiều trái cây và rau theo mùa, ăn nhiều thực vật hơn. Nhưng chỉ 1/5 người sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho thực phẩm bền vững. Thường thì các yếu tố khác - có thể là thương hiệu, hương vị hoặc giá cả - được ưu tiên.
Theo các nhà khoa học, cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để bắt đầu giáo dục nghiêm khắc mọi người về lựa chọn cá nhân của họ và tác động của họ đối với hành tinh. Người tiêu dùng có thể khó biết loại thực phẩm nào bền vững về mặt sinh thái, vì hầu hết các sản phẩm không hiển thị lượng khí thải và lượng nước tiêu thụ trong quá trình sản xuất, vận chuyển. Vì vậy, thông tin này nên được ghi trên nhãn thực phẩm. Ngoài ra, cần có thêm các biện pháp khác, như trợ cấp và ưu đãi thuế, để làm cho các sản phẩm thân thiện với môi trường trở thành sự lựa chọn hợp lý hơn.