Mua bách hóa qua online tăng mạnh
Xu hướng mua sắm qua thương mại điện tử gần đây phát triển ngày càng mạnh mẽ, nhất là khi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay. Qua kết quả khảo sát thị trường được Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện và kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar World Panel về thay đổi thói quen tiêu dùng trong giai đoạn bình thường mới, cho thấy, tiêu dùng online đang có xu hướng gia tăng kể từ giai đoạn cách ly xã hội tới nay. Sở dĩ người tiêu dùng chọn mua trực tuyến là do sản phẩm online hiện được cung cấp khá nhiều, mua sắm, thanh toán khá dễ.
Đáng chú ý, theo báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam quý II-2020 vừa được iPrice Group công bố, 6 tháng đầu năm, lượng truy cập vào các website bách hóa tăng hơn 41%. Tương tự, lượng truy cập vào các website ngành hàng mỹ phẩm - chăm sóc sức khỏe tăng 21%. Theo iPrice, kết quả này chứng minh rằng, nhu cầu cho 2 ngành hàng bách hóa và chăm sóc sức khỏe trên kênh trực tuyến không phải là nhất thời. Cú hích từ Covid-19 đã tạo ra các thói quen mua sắm trực tuyến mới, mang đến động lực tăng trưởng lâu dài cho các ngành hàng trước đây vốn không phải là trọng tâm.
Chị Hồ Thị Hương, kế toán một công ty sản xuất thời trang tại quận Tân Bình, TPHCM lý giải về việc người tiêu dùng lựa chọn mua sắm online hàng bách hóa tăng mạnh: Thuận tiện hơn so với mua sắm truyền thống, hàng hóa trên các trang thương mại điện tử cũng phong phú, đa dạng, dễ lựa chọn và có nhiều ưu đãi, khuyến mại. Giống như chị Hương, chị Ngô Mai Thy (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ, gần đây chị thường xuyên đặt mua hàng tiêu dùng và thực phẩm qua các website hoặc app mua sắm của các nhà bán lẻ. “Chỉ cần ngồi một chỗ và thực hiện vài thao tác là tôi có thể chọn được những sản phẩm tiêu dùng cần thiết cho gia đình. Việc mua online cũng không lo bị hớ, bởi các trang bán hàng đều niêm yết giá cụ thể cho khách hàng lựa chọn”, chị Thy cho biết.
Bán lẻ nhập cuộc xu hướng mới
Nắm bắt xu hướng này, ngoài các trang thương mại điện tử, rất nhiều nhà bán lẻ truyền thống như Saigon Co.op, Big C… đã tăng cường bán trực tuyến để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua. Đơn cử như Saigon Co.op, ngoài đẩy mạnh kênh bán hàng online, bán qua điện thoại thì gần đây còn tung ra kênh bán hàng tương tác trên ứng dụng thương mại điện tử là App Saigon Co.op. Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, đã có hơn 1.000 sản phẩm được hệ thống lên trên nền tảng App Saigon Co.op, đa số là thực phẩm khô, hàng thiết yếu. Ngoài ra, còn có một số thực phẩm tươi sống như trứng, rau xanh, củ quả đóng vỉ, thịt đông lạnh…
Nhìn chung, mua hàng qua online được người tiêu dùng khẳng định, giúp họ tránh được những nơi đông đúc, tiết kiệm thời gian trong việc di chuyển, có được sự đa dạng trong lựa chọn và có thể chủ động trong việc so sánh giá cả… Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn băn khoăn về chất lượng sản phẩm, nhất là với hàng thực phẩm, hàng tươi sống. Bởi lẽ, gần đây đã có không ít vụ ngộ độc thực phẩm xuất phát từ mua qua mạng. Điển hình là vụ người tiêu dùng khắp cả nước đã mua pate Minh Chay online và một số người đã không may bị ngộ độc.
Chính vì thế, theo đại diện Saigon Co.op, app mới của nhà bán lẻ này sẽ giải quyết được những lo lắng trên, vì hàng được đưa lên bán cũng chính là những món hàng đang được kinh doanh tại hệ thống siêu thị hiện hữu, nơi đã xây dựng được chuẩn mực chất lượng hàng hóa, dịch vụ, các chương trình hậu mãi tốt nhất cho người tiêu dùng. Không những vậy, giá niêm yết trên nền tảng này sẽ được đảm bảo thấp hơn hoặc bằng giá bán tại các siêu thị của hệ thống Saigon Co.op. Đặc biệt, Saigon Co.op còn dự kiến sẽ thiết kế chương trình khuyến mãi riêng dành cho những thương hiệu, nhà cung cấp lớn muốn thông qua kênh online để tiếp cận người tiêu dùng mới.
Theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, App Saigon Co.op có giao diện thân thiện, dễ sử dụng và sản phẩm luôn được cam kết đảm bảo chất lượng. Chính vì thế, nhiều người cho biết sẽ là khách hàng thường xuyên của ứng dụng này trong thời gian tới.
Để mua sắm online an toàn, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, khuyến cáo: Người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm ở những website thương mại điện tử đã đăng ký với Bộ Công thương. Đối với việc mua hàng thông qua các trang mạng xã hội, nên chọn nhà cung cấp có trang web của chính cơ sở và các thông tin về sản phẩm được cung cấp đầy đủ và chính xác. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ về cơ sở sản xuất, kinh doanh những sản phẩm đó qua thông tin về địa điểm đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ cư trú của thương nhân, điện thoại, email… và có thể kiểm chứng được thông tin. Ngoài ra, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ các thông tin sản phẩm thực phẩm muốn tiêu dùng về chủng loại sản phẩm (thực phẩm tươi sống, thực phẩm sơ chế hay thực phẩm đã chế biến), thành phần cấu thành nên sản phẩm, giá trị dinh dưỡng (bằng chứng khoa học về khả năng mang lại giá trị cho người sử dụng), yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo quy định, thời điểm sản xuất, hướng dẫn sử dụng đối với từng loại sản phẩm và điều kiện bảo quản. |