Mức bán lẻ hàng hóa tăng 7,1%
Theo ông Đào Minh Chánh, Phó giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, hiện nay thành phố có 11.868 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư (cả cấp mới và tăng vốn) hơn 81 tỷ USD, dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước. Không dừng lại đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế TPHCM ghi nhận có nhiều điểm sáng tích cực. Cụ thể, GRDP tăng 3,55%; thu ngân sách ước thực hiện đạt hơn 227.000 tỷ đồng (đạt 48,5% dự toán). Đặc biệt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,1%…
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), đánh giá, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tại TPHCM đã bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Đơn cử, với các giải pháp kích cầu du lịch đã giúp doanh thu ngành này trong 6 tháng đầu năm ước đạt trên 80.000 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ. Thực tế này đã kéo theo sự tăng trưởng của nhiều ngành liên quan như bán lẻ, kinh doanh khách sạn, nhà hàng… cùng tăng trưởng.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn thì thị trường nội địa chính là bệ đỡ an toàn cho các doanh nghiệp trong nước. Hiện Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường có quy mô lớn với hơn 100 triệu dân. Tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… có lợi thế là tốc độ đô thị hóa cao, quy mô tập trung dân cư lớn là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị phần.
“Ở góc độ Saigon Co.op, một mặt tăng cường mở rộng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi kết hợp phát triển thương mại điện tử. Không chỉ vậy, Saigon Co.op đã chủ động bắt tay cùng nhà cung cấp để tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, từ đó giảm giá thành sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Nhờ vậy mà hàng Việt đã dần phủ sóng phần lớn thị trường nội địa, tạo nền tảng ổn định để doanh nghiệp trụ vững tại thị trường trong nước và mở rộng thị phần xuất khẩu”, ông Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
Chia sẻ tại diễn đàn về tăng cường thu hút đầu tư và đề xuất giải pháp pháp lý hiệu quả cho nhà đầu tư tại TPHCM do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức mới đây, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, thành phố đang quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện pháp lý để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khi tham gia sản xuất, kinh doanh tại TPHCM, vùng Đông Nam bộ và Việt Nam. Nghị quyết 98/2023/QH15 là nền tảng để TPHCM thực hiện quyết tâm này.
Hiện những nhóm chính sách đặc thù phát triển TPHCM theo Nghị quyết 98/2023/QH15 tập trung vào các nhóm vấn đề bao gồm quản lý đầu tư, ngân sách, tài nguyên, thu hút đầu tư chiến lược, khoa học công nghệ… Do vậy, thành phố cầu thị lắng nghe những tồn tại, khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ. Song song đó, xây dựng giải pháp nuôi dưỡng nhà đầu tư đã và đang đầu tư tại thành phố; thiết lập kênh thông tin để chia sẻ, minh bạch thông tin về các dự án mà thành phố thu hút đầu tư để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư tại TPHCM.
Về những lĩnh vực được quan tâm thu hút đầu tư, ông Đào Minh Chánh cho biết, TPHCM đang ưu tiên các ngành kinh tế số, công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin; tự động hóa, cơ khí chính xác, vật liệu mới, dược phẩm, công nghiệp sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch…
Đặc biệt, với nguồn vốn FDI, thành phố mong muốn tập trung thu hút cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải liên thông kết nối và dịch vụ chất lượng cao. Về dài hạn, thành phố khuyến khích thu hút đầu tư vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn; ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực công nghiệp nền tảng, vật liệu, công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, thiết bị điện tử - viễn thông, thiết kế và sản xuất chip bán dẫn.
Ngoài ra, thành phố cũng sẽ ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ cao, bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường, thu hút lao động có kỹ năng của các công ty đa quốc gia gắn với yêu cầu phải chuyển giao tri thức, công nghệ và quản trị, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Tại thị trường trong nước, theo Bộ Công thương, sức cầu có xu hướng tăng trong nửa đầu năm nay. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế. Cụ thể, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.016,7 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ (đạt 2.719,8 ngàn tỷ đồng). Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương đạt mức tăng 2 con số so với cùng kỳ như: Bình Dương tăng 15,6%; Quảng Ninh tăng 14,5%; Hải Phòng tăng 14%; Đồng Nai tăng 12,3%.