Vừa qua, Báo SGGP có đăng bài phản ánh ý kiến một số chuyên gia về vấn đề xét duyệt giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhất là thông tin về việc có thể có tiêu cực trong xét duyệt ở Hội đồng liên ngành. Để rộng đường dư luận, ngày 13-2, Báo SGGP có trao đổi với ông Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam.
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, ý kiến của ông về việc có tiêu cực trong xét duyệt GS, PGS được xã hội đặc biệt lưu tâm. Ông có thể trao đổi rõ thêm về vấn đề này?
- Ông VŨ QUANG HÀO: Tôi có ý kiến phát biểu trên báo SGGP ngày 7-2 về vấn đề này, nhưng tôi xin đính chính là tôi không nói tới tiêu cực của Hội đồng chức danh GS cấp Nhà nước mà nói tới Hội đồng liên ngành. Có thể do phỏng vấn tại hành lang hội thảo không được yên tĩnh, nhiều người qua lại nên quên không đính chính, nên đó là sự sai sót thông tin ngoài ý muốn. Tôi muốn nói rõ lại tất cả bài phát biểu của tôi chỉ liên quan đến Hội đồng liên ngành. Tôi nói là có “bằng chứng” vì tôi là người trong cuộc.
Tôi nói “có tiêu cực lớn” trong việc phong chức danh PGS và GS theo nghĩa quan hệ xã hội chứ không phải theo nghĩa tiền tệ. Nhiều người làm GS 2 lần, 3 lần, thậm chí 4 lần mới được; trong khi họ là những người rất giỏi chuyên môn, điểm nghiên cứu khoa học rất cao, các tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức không có vi phạm gì nhưng vẫn bị trượt nhiều lần. Tình hình này đã diễn ra nhiều năm rồi và đã có ảnh hưởng tiêu cực đến những người làm khoa học và giáo dục. Đó là vấn đề lớn của xã hội. Tôi hiểu, tinh thần “chống tham nhũng không có vùng cấm” kể cả trong lĩnh vực bằng cấp.
Theo tôi, tiêu cực trong các Hội đồng liên ngành về “quan hệ xã hội” là do cơ chế bỏ phiếu không ký tên và nhiệm kỳ 5 năm gây ra là chính. Trong khi đó, ở các Hội đồng cơ sở và Hội đồng cấp nhà nước hầu như không có dư luận gì vì Hội đồng cơ sở nắm rõ ứng viên hơn Hội đồng liên ngành. Hội đồng cấp Nhà nước là những người có uy tín chuyên môn cao nhất của các ngành và phẩm chất đạo đức đã được khẳng định ở những vị trí xã hội cao của họ vì thế hầu như không có dư luận gì.
Tôi đã nói tôi có bằng chứng về tiêu cực trong xét chức danh PGS, GS. Bằng chứng của tôi là: Điểm khoa học và đào tạo xét trong Hội đồng chức danh GS liên ngành đạt 40,6; có 3 bài báo quốc tế trong đó có 1 bài ISA, chưa kể 3 bài khác đăng trong kỷ yếu các hội thảo quốc tế, điểm thi tiếng Nga, tiếng Anh đều tốt; tốt nghiệp Tiến sĩ năm 1993, được phong PGS năm 2004, làm cán bộ giảng dạy đại học từ 1984, nhưng bị bỏ phiếu trượt ở Hội đồng liên ngành. Một số người khác rất giỏi chuyên môn, đạo đức cũng không có vấn đề gì bị phê phán, thế mà vẫn trượt trong các Hội đồng 2,3, 4 lần.
Tôi cho rằng, một số người có thể không thích và thù ghét tôi nên gạch tên tôi trong danh sách bầu. Việc bỏ phiếu kiểu này khó có thể kiểm soát được. Vì thế, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, ban hành quy chế làm việc của các Hội đồng chức danh GS.
* Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu rà soát việc xét duyệt GS, PGS. Vậy ông có đề xuất gì trong việc xét duyệt GS, PGS thời gian tới?
- Tôi đề nghị bỏ Hội đồng liên ngành và chỉ để 2 cấp là Hội đồng cấp cơ sở và cấp Nhà nước. Ngoài ra, chỉ thông qua phiếu tín nhiệm quá bán (50%) bằng bỏ phiếu công khai, hoặc xét thật kỹ tiêu chuẩn cứng của các chức danh GS, PGS và công nhận, không cần bỏ phiếu để tránh những tiêu cực trong quan hệ xã hội.
Mặt khác, để nâng cao chất lượng GS, PGS, tôi đề nghị nâng cao số điểm công trình khoa học lên 2,5 lần so với hiện nay và bắt buộc phải có ít nhất 2 bài báo quốc tế ISI, Scopus hoặc các kỷ yếu hội thảo quốc tế có bài chất lượng tương đương. Khi chuẩn bị đủ điều kiện, tôi đề nghị Bộ GD - ĐT chuyển nhiệm vụ phong chức danh GS, PGS về cho các trường có đủ điều kiện và tiêu chuẩn để xét, công nhận các chức danh này bằng cơ chế giám sát của Bộ.
*Xin cảm ơn ông!