Tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể sẽ hạn chế “chạy chức, chạy quyền”

Phóng viên Báo SGGP trao đổi với PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương xung quanh việc áp dụng tiêu chuẩn trong công tác cán bộ của Đảng.
PGS-TS Nguyễn Viết Thông
PGS-TS Nguyễn Viết Thông
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương xung quanh việc áp dụng những tiêu chuẩn này trong công tác cán bộ của Đảng thời gian qua và sắp tới.

- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, đây có phải là lần đầu tiên, Bộ Chính trị có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước?

>> PGS-TS NGUYỄN VIẾT THÔNG: Đây không phải là lần đầu tiên, lâu nay chúng ta cũng đã đề ra những tiêu chuẩn đối với đội ngũ cán bộ. Ví dụ như Chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ từ nhiệm kỳ khóa IX đã đề ra được những tiêu chuẩn cụ thể từng loại cán bộ. Trước các kỳ Đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND các cấp, chúng ta đều có ban hành những tiêu chuẩn để giới thiệu và bầu các chức danh. Đó là tiêu chuẩn bầu vào cấp ủy các cấp, tiêu chuẩn vào HĐND các cấp, tiêu chuẩn Đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn Ủy viên Trung ương, tiêu chuẩn Ủy viên Bộ Chính trị, tiêu chuẩn Tổng Bí thư… Tất cả đều đã có. Tuy nhiên, những quy định đó còn chung chung, chưa thật cụ thể. 

Qua thực tế nhiều năm, nhiều kỳ, Bộ Chính trị thấy rằng, cần phải hoàn chỉnh một bộ tiêu chuẩn cụ thể, đối với từng chức danh cụ thể. Quy định số 89 và Quy định số 90 của Bộ Chính trị vừa ban hành là một sự tiếp nối từ trước, nhằm làm rõ hơn, cụ thể và chính xác hơn về tiêu chuẩn cán bộ các cấp, để chúng ta dễ dàng hơn trong việc quy hoạch và làm công tác cán bộ, kể cả bên Đảng cũng như chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.

- Dư luận xã hội rất quan tâm tới tiêu chuẩn 4 chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Theo ông, với những quy định vừa ban hành, tất cả những tiêu chuẩn đó đã cụ thể, chi tiết một cách đầy đủ và toàn diện chưa?

Tôi đã nghiên cứu các quy định đó và thấy rằng, so với tất cả những loại văn bản quy định về tiêu chuẩn cán bộ, thì lần này đã cụ thể hơn nhiều. Tất cả được quy định chặt chẽ, cụ thể và khoa học hơn. Với những quy định của Bộ Chính trị vừa ban hành, rất cụ thể và chi tiết giúp cho công tác cán bộ thực hiện các quy trình thuận lợi và chính xác hơn. Đây là một bước tiến mới trong công tác cán bộ của Đảng ta. Tất nhiên mọi tiêu chuẩn phải trải qua thực tiễn để hoàn thiện và thường xuyên bổ sung cho phù hợp với thực tế khách quan. Theo tôi, các tiêu chuẩn không thể là bất biến mà nó tùy theo những giai đoạn cách mạng để có thể thêm hoặc bớt đi những tiêu chuẩn không còn phù hợp. 

- Trong những nhiệm kỳ trước, chúng ta đã áp dụng những tiêu chuẩn nào để giới thiệu và bầu những chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, thưa ông?

Chúng ta đã xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn từ lâu, từ cấp ủy các cấp, đến tiêu chuẩn để bầu các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị. Các chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội của nhiệm kỳ này cũng đã được bầu theo những tiêu chuẩn đã được quy định. Đó là tiêu chuẩn về  phẩm chất chính trị, về năng lực công tác, tiêu chuẩn về tuổi, tiêu chuẩn về chức vụ đã qua… Rất nhiều tiêu chuẩn và được xem xét, đánh giá rất chi tiết, cụ thể trong quá trình giới thiệu, cho ý kiến và bầu cử.

- Ông suy nghĩ như thế nào về tiêu chuẩn “tuyệt đối không tham vọng quyền lực” mà Bộ Chính trị vừa ban hành?

Đây chính là việc phân biệt động cơ chính trị. Bác Hồ nói: “Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp”. Vậy nếu vào Đảng, phấn đấu làm cán bộ với mục tiêu như Bác nói thì không có gì phải chê trách. Thế nhưng vào Đảng, bằng mọi cách để làm cán bộ; làm cán bộ rồi thì tìm cách để thu vén quyền lực; làm vị trí này lại tìm cách để lên vị trí cao hơn bằng mọi thủ đoạn…, thì đó chính là “cái tham vọng quyền lực” chúng ta phải đề phòng và cương quyết loại bỏ. Tất nhiên, điều này phân biệt không hề dễ. Bởi giữa “nguyện vọng, khát vọng phấn đấu” và “tham vọng quyền lực” tồn tại ranh giới mỏng manh. Nguyện vọng, khát vọng chính đáng thì cần phải ủng hộ, tạo điều kiện phát triển và ngược lại. Tham vọng quyền lực còn thể hiện rõ qua việc “mua quan, bán chức, chạy chức, chạy quyền...” vốn đã tồn tại và được nói đến nhiều ở xã hội chúng ta hiện nay. 

- Với những quy định mà Bộ Chính trị vừa ban hành, chúng ta sẽ hạn chế và loại bỏ được những tiêu cực, hạn chế trong công tác cán bộ hiện nay?

Công tác cán bộ sẽ tốt hơn trong thời gian tới. Trước Đại hội XII của Đảng, chúng ta đã đưa ra tiêu chuẩn cho việc giới thiệu và bầu các chức danh. Lần này, chưa đến nửa nhiệm kỳ khóa XII, Bộ Chính trị đã ban hành bộ tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng và công khai để toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội biết. Điều đó, trước hết sẽ giúp cho việc quy hoạch nhân sự Đại hội XIII của Đảng được thực hiện thuận lợi, chất lượng hơn; đồng thời hạn chế tối đa những tiêu cực về công tác cán bộ các cấp. Cùng với việc tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ các cấp, tôi tin chắc rằng, với bộ tiêu chuẩn này, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp… sẽ giảm đi đáng kể trong thời gian tới!

- Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục