Bia rượu hay các loại đồ uống có cồn như một luật bất thành văn, luôn có mặt trong hầu hết các cuộc gặp gỡ từ thân tình đến xã giao. Với một số người, rượu mạnh đôi khi còn đẩy không khí bữa tiệc hào hứng gấp đôi, hay cụng vài ly bia thì cuộc vui mới gọi là xứng tầm… Nước ngọt hay nước suối chỉ thấm giọng cho những cuộc trò chuyện đơn thuần, chứ không phải dùng trong tiệc tùng, khách khứa.
Tiêu chuẩn một bữa tiệc, một cuộc vui với không ít bạn trẻ phải là “đô mạnh”, “bất tử trên bàn nhậu” hay “đường tình anh thua, đường đua anh chấp”… Vì thế mà dòng chữ “tiệc chỉ đãi nước ngọt, nước suối” như một điểm nhấn “lạc quẻ” trong cuộc vui, bởi rượu chưa vào thì lời không ra, lấy gì mà ngồi lại với nhau cho xôm tụ.
Nhưng chiều ý kiến ngược lại, nhiều người trẻ cũng đồng tình quan điểm buổi tiệc không hơi men, bởi đã có quá nhiều vụ tai nạn giao thông vì bia rượu quá chén. Một lý do thuyết phục hơn nữa chính là ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu, chuyện tiết kiệm, gọn nhẹ cho cuộc vui đủ ấm cúng, không cần linh đình được ưu tiên hơn hết.
Mỗi ý kiến đều có lập luận riêng và dưới góc nhìn của mỗi cá nhân không có đúng hay sai, mà chỉ có phù hợp hay không. “Việc lựa chọn bia rượu hay chỉ nước ngọt, nước suối là quyền quyết định của mỗi người. Nhưng có lẽ khái niệm bia rượu cũng nên dần mở rộng thêm, đó là những loại nước trái cây lên men, đậm vị hơn một chút nhưng không làm người ta say sưa, quá chén, vui thì như vậy cũng trọn vẹn, chứ đi một cái tiệc tất niên, say bí tỉ thì ai đưa về, mà có người đưa về thì sức khỏe có chịu nổi không”, anh Quách Minh Quân (28 tuổi, nhân viên xuất nhập khẩu, ngụ quận 8, TPHCM) chia sẻ.
Niềm vui của một buổi tiệc được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố, chứ không chỉ có chuyện bia hay rượu. Quy định đãi món gì, thức uống nào, hay độ tuổi trẻ em tham dự… cũng là quyền tự do của mỗi chủ nhân tổ chức buổi tiệc. Nhưng tiêu chuẩn nào cũng cần phải vừa chừng, và văn minh là lắng nghe, lựa chọn điều phù hợp với chính mình.