Có trường dùng tiêu chí ngoại ngữ, có trường dùng tiêu chí điểm thi THPT quốc gia của môn chính trong tổ hợp xét tuyển, có trường dùng điểm học bạ THPT, có trường dùng tiêu chí hạnh kiểm... để xét tuyển. Do đó, nếu thí sinh nắm rõ các tiêu chí của trường muốn đăng ký xét tuyển để xét tuyển sẽ tăng cơ hội trúng tuyển.
Lợi thế cho thí sinh giỏi ngoại ngữ
Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học sử dụng tiêu chí ngoại ngữ (tiếng Anh) để xét tuyển.
Khác với những năm trước, năm 2019, Trường ĐH Y Dược TPHCM sử dụng thêm phương án xét tuyển kết hợp (có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế) đối với ngành Y khoa và Dược học.
Thí sinh xét tuyển theo phương thức này bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển đạt IELTS 6.0 trở lên, hoặc TOEFL iBT 60 trở lên. Đơn vị cấp chứng chỉ là: TOEFL iBT, Educational Testing Service (ETS); IELTS: British Council (BC), International Development Program (IDP).
Nhà trường sẽ kiểm tra chứng chỉ tiếng Anh quốc tế bản gốc khi thí sinh nhập học, nếu thí sinh không đảm bảo điều kiện như quy định sẽ bị loại ra khỏi danh sách trúng tuyển. Chỉ tiêu phương thức xét tuyển kết hợp là 25% chỉ tiêu của từng ngành (ngành Y khoa 100 chỉ tiêu, ngành Dược học 100 chỉ tiêu).
Nguyên tắc xét tuyển là thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo quy định và bổ sung hồ sơ trực tiếp (bản sao chứng chỉ tiếng Anh quốc tế) cho Trường ĐH Y Dược TPHCM trước 17 giờ ngày 21-7.
Ngoài ra, đối với các phương thức xét tuyển (điểm thi THPT quốc gia và phương thức kết hợp), nếu thi sinh bằng điểm nhau quá nhiều và vượt quá chỉ tiêu nhà trường áp dụng ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.
Theo PGS-TS Đinh Đức Anh Vũ, năm 2019 ĐH Quốc gia TPHCM cũng áp dụng ưu tiên xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TPHCM dành cho thí sinh có các chứng chỉ quốc tế (bằng tốt nghiệp THPT quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế).
Cụ thể như Trường ĐH Bách khoa 14 ngành ĐH chính quy thuộc các chương trình tiên tiến, chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh yêu cầu sinh viên phải đạt chuẩn tiếng Anh đầu vào (điểm kiểm tra theo định dạng IELTS 6.0) để được học các môn thuộc năm 1, 2 và phải đạt chuẩn tiếng Anh chính thức (IELTS 6.0 hoặc TOEFL iBT 79) để được học các môn thuộc năm 3, 4 và xét tốt nghiệp.
Trường ĐH Ngoại thương năm 2019 cũng áp dụng xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT, dự kiến triển khai vào tháng 5-2019. Đối tượng xét tuyển kết hợp là học sinh các lớp chuyên Toán, Lý, Hóa, Văn và Ngoại ngữ các trường THPT chuyên toàn quốc tốt nghiệp trong năm 2019 có hạnh kiểm các năm học THPT đạt từ khá trở lên.
Điều kiện xét tuyển được thực hiện dựa trên việc thí sinh đạt kết quả học tập bậc THPT và có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ phù hợp theo quy định với từng chương trình đào tạo. Đồng thời, thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn đạt IELTS từ 6.5 (academic) trở lên, hoặc TOEFL PBT từ 550 trở lên, hoặc TOEFL iBT từ 90 trở lên, hoặc giải ba quốc gia môn tiếng Anh trở lên.
Nhiều quy định riêng
Theo Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, năm 2019 các trường cao đẳng, đại học quân đội sẽ tuyển hơn 5.400 chỉ tiêu tuyển sinh, tương đương chỉ tiêu tuyển sinh năm trước. Trong đó, ngoài chỉ tiêu đại học, có khoảng 80 chỉ tiêu dành cho trình độ đào tạo cao đẳng quân sự.
Tuy nhiên, chỉ tiêu cụ thể của một số trường có sự thay đổi. Có trường tăng chỉ tiêu so với năm 2018 như Học viện Kỹ thuật Quân sự (tăng 8 chỉ tiêu), Học viện Quân y (tăng 70 chỉ tiêu), Trường Sĩ quan Thông tin tăng 41 chỉ tiêu...
Theo quy định, thí sinh đăng ký xét tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng quân sự phải qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Quốc phòng. Thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào một trường trong quân đội ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển (nếu trường có nhiều ngành đào tạo, thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một ngành).
Các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài quân đội hoặc hệ dân sự của các trường quân đội, việc đăng ký thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, nếu muốn thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Trong trường hợp có nhiều thí sinh bằng điểm nhau, số thí sinh trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu được giao, hội đồng tuyển sinh các trường sẽ sử dụng điểm của các môn trong tổ hợp xét tuyển làm các tiêu chí phụ để xét tuyển.
Thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các trường trong quân đội sẽ được xét tuyển nguyện vọng kế tiếp vào các trường ngoài quân đội hoặc hệ dân sự của các trường trong quân đội theo thứ tự ưu tiên của nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển trước đó.
Trong khi đó, khối trường công an năm nay thay đổi phương thức tuyển sinh thay vì chỉ xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia như năm 2018. Cụ thể xét tuyển được tính như sau: điểm thi THPT quốc gia 2019 chiếm 75% điểm xét tuyển và điểm học bạ chiếm 25% điểm xét tuyển.
Theo cách thức mới, điểm xét tuyển vào các trường công an sẽ gồm: điểm 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển trong kỳ thi THPT quốc gia 2019; điểm trung bình kết quả học tập trong 3 năm THPT; điểm ưu tiên khu vực, đối tượng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT; điểm thưởng theo quy định của Bộ Công an cho thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Thí sinh đăng ký vào trường công an phải đạt tiêu chuẩn học lực loại trung bình trở lên các năm THPT, riêng môn thuộc tổ hợp xét tuyển phải đạt từ 7 điểm trở lên. Chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân không đủ điều kiện về học lực sẽ được tiếp nhận hồ sơ, nhưng không đưa vào danh sách xét tuyển đại học. Đối tượng này chỉ lấy kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển trung cấp, xét chuyển sang chế độ chuyên nghiệp (nếu có nguyện vọng).
Trong khi đó, nhiều trường ĐH, CĐ thuộc khối sư phạm ngoài quy định học lực khá, giỏi còn xét điều kiện về hạnh kiểm của thí sinh. Đối với Trường ĐH Luật TPHCM, nếu thí sinh không đăng ký dự bài kiểm tra năng lực thì không được xét tuyển vào trường.