Tuy nhiên, hiện nay một số thị trường lớn nhập khẩu đồ gỗ lại đang có những tiêu chí khắt khe đối với khí thải trong các sản phẩm gỗ. Điều này đã và đang gây ra những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam.
Ông Derek Massaa, Chuyên gia tổ chức Underwriters Laboratories (UL, Hoa Kỳ), cho biết ngày càng có nhiều chất phát thải độc hại xuất phát từ vật dụng gia đình, vì vậy người tiêu dùng đặc biệt quan tâm tới yếu tố an toàn của các vật dụng, nhất là vật dụng được trang trí bởi chất phủ sơn, dầu như đồ gỗ.
Tại Hoa Kỳ, các nhà nhập khẩu, phân phối và bán lẻ đồ gỗ phải chịu trách nhiệm truy xuất nguồn gốc trước khách hàng, đó là lý do các sản phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải có hồ sơ đảm bảo sản phẩm tuân thủ các điều kiện của chuỗi cung ứng. Sở Kiểm soát tài nguyên không khí (CARB) đã đánh giá mức độ tiếp xúc với Formaldehyde và đưa ra tiêu chuẩn Formaldehyde thải ra từ các sản phẩm gỗ tổng hợp đối với các nước nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Các giới hạn về phát thải Formaldehyde do CARB đưa ra được tính bằng ppm (parts per million). Theo đó, các loại ván ép, chỉ cho phép 0,05ppm; ván dăm 0,09pmm; MDF 0,11ppm; MDF mỏng hơn 6mm là 0,13ppm. Tiêu chuẩn này cũng bắt buộc các nhà sản xuất ván sợi, ván dăm, ván ép và người sử dụng gỗ tổng hợp để chế tạo hoàn chỉnh phải tuyên bố tuân thủ, có sự đánh giá, chứng nhận của bên thứ ba và lưu giữ hồ sơ.
Các chuyên gia cho rằng để sản phẩm đồ gỗ Việt Nam có thể xâm nhập vào các thị trường quốc tế khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, ngoài việc tuân thủ những quy định khắt khe về chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp còn phải chú trọng tới các vấn đề về nguồn gốc của gỗ, sử dụng gỗ hợp pháp, sử dụng các hóa chất ít phát thải hoặc nằm trong giới hạn cho phép.