Xét nghiệm kháng thể với virus gây bệnh lâu nay vẫn chỉ được coi là biện pháp cho phép nhận diện tốt hơn diễn biến dịch bệnh để có chính sách đối phó phù hợp. Trong bối cảnh thiếu vaccine hiện nay, dường như cái khó làm ló cái khôn. Báo chí Pháp cho hay Hội đồng Cấp cao về y tế Pháp (HAS) đã chính thức khuyến nghị chính phủ nước này thực hiện việc xét nghiệm kháng thể với virus SARS-CoV-2 trước khi tiêm chủng lần một.
Biện pháp này cho phép tiết kiệm được hàng triệu liều vaccine, do việc người đã có kháng thể được coi như đã trải qua tiêm chủng lần một và như vậy, chỉ cần tiêm thêm một lần nữa để có thể được coi như người miễn nhiễm với virus SARS-CoV-2. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran tuyên bố sẽ thực hiện khuyến nghị của HAS.
Việc xét nghiệm dựa trên cơ sở tình nguyện và miễn phí. Xét nghiệm kháng thể nhanh (TROD) được thực hiện nhanh chóng và đơn giản, chỉ với một giọt máu và người đến tiêm chủng lần một chỉ cần chờ khoảng 15 phút là có kết quả. Số lượng vaccine tiết kiệm được ước tính sẽ rất lớn. Theo ước tính của HAS, khoảng 23% cư dân Pháp đã nhiễm virus, nhưng chỉ có 8% là được phát hiện dương tính nhờ các xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên.
Còn theo nghiên cứu của Viện Pasteur, riêng tại vùng thủ đô Ile-de-France, có 35% - 45% cư dân đã nhiễm virus. HAS nhấn mạnh, hiện nước Pháp đang ở trong giai đoạn tiêm chủng đại trà cho thanh thiếu niên, mà đại đa số những người trẻ nhất lại thường nhiễm virus mà không có triệu chứng. Vì vậy, việc xét nghiệm kháng thể để tránh một liều tiêm không cần thiết thứ hai sẽ đặc biệt có lợi. Tiết kiệm vaccine, cũng có nghĩa tiết kiệm cả nhân lực và cơ sở vật chất được huy động để tiêm chủng.
Khuyến nghị của HAS đã gây ngạc nhiên với nhiều người, bởi cũng chính HAS, cách đây gần 4 tháng, đã từng khẳng định việc xét nghiệm kháng thể trước khi tiêm chủng lần một là không cần thiết, do giới y khoa không biết việc từng nhiễm virus sẽ cho phép người bị nhiễm miễn dịch trong bao lâu. Tuy nhiên, trong 4 tháng qua đã có rất nhiều thay đổi.
Trong khuyến nghị lần này, HAS giải thích rõ số lượng kháng thể đạt được sau khi tiêm chủng lần một, với người đã mắc Covid-19, cao hơn so với người không bị mắc được tiêm ngừa 2 lần. Theo tờ Le Monde, 3 nghiên cứu của Italy mới đây cũng chứng minh cho điều này.
Bộ trưởng Véran cho biết, trong tháng 6, các trung tâm tiêm chủng sẽ phải được trang bị TROD. Từ nhiều tuần nay, các cơ sở sản xuất TROD như Biosynex, AAZ hay Eurofins Biomnis đã tăng cường năng lực sản xuất, để đáp ứng nhu cầu mới.
Đối với nhiều trung tâm tiêm chủng đang hoạt động, với lượng người đến tiêm nhiều, khuyến nghị mới có thể gây khó khăn cho việc tổ chức. Tuy nhiên, theo ông Pierre-Manuellan, phụ trách một trung tâm tại Montreuil (ngoại ô thủ đô Paris), rất nhiều người mong muốn được xét nghiệm, để nếu đã có kháng thể thì ngay lập tức có được giấy chứng nhận hoàn thành tiêm chủng. Nhu cầu này sẽ thúc đẩy việc triển khai xét nghiệm TROD rộng rãi.
Hiện khoảng 28/67 triệu dân, tương đương 40% người Pháp, đã được tiêm chủng liều đầu tiên. 13 triệu người đã được tiêm 2 liều. Pháp hy vọng với biện pháp bổ sung này, tốc độ tiêm chủng sẽ được đẩy nhanh, để tránh được một đợt dịch mới dịp hè.