Đây được xem là cột mốc báo hiệu sự phát triển mạnh mẽ, cũng như sự quan tâm sử dụng điện Mặt trời của các doanh nghiệp, người dân TPHCM - vốn là địa phương đi đầu trong việc sử dụng các loại năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM, xung quanh nội dung này.
Lắp đặt pin Mặt trời tại tòa nhà trụ sở Tổng công ty Điện lực TPHCM
PHÓNG VIÊN: Ngày nay, việc sử dụng năng lượng điện Mặt trời đã bắt đầu đi vào cuộc sống, được nhiều gia đình, doanh nghiệp sử dụng và mang lại hiệu quả. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển việc sử dụng điện Mặt trời ở TPHCM?
Ông PHẠM QUỐC BẢO: Theo số liệu thống kê, TPHCM nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, dao động từ 4,3 - 6,6kWh/m²/ngày. Số giờ nắng trung bình 6,8 giờ/ngày (thấp nhất là 5,4 giờ/ngày vào tháng 4, cao nhất đạt 8,8 giờ/ngày vào tháng 3) và liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở Bắc bộ. Cường độ bức xạ Mặt trời trung bình tại TPHCM khá cao (đạt 1.581kWh/m2/năm, tương ứng 4,3kWh/m²/ngày) nên tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng Mặt trời để phát điện là rất lớn.
Tổng công ty cũng là đơn vị tiên phong trong việc lắp đặt hệ thống điện Mặt trời, đến nay hiệu quả ra sao, thưa ông?
Nhằm tạo bước đột phá tiên phong trong việc triển khai ứng dụng pin Mặt trời tại các trụ sở văn phòng trong toàn tập đoàn, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã triển khai lắp đặt thí điểm 4 công trình điện Mặt trời nối lưới tại 4 địa điểm: Tòa nhà trụ sở của tổng công ty, tòa nhà Thông tin Tuyên truyền An toàn - Tiết kiệm năng lượng, nhà điều hành trạm 110kV Bến Thành và trụ sở Công ty Điện lực Thủ Thiêm với tổng công suất lắp đặt 226kWp.
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong năm 2017, tổng công ty đang tiếp tục lắp đặt hệ thống điện Mặt trời nối lưới tại trụ sở của các công ty điện lực khu vực còn lại. Trong thời gian tới, tổng công ty sẽ triển khai tiếp tục cho tất cả trụ sở của các đơn vị trực thuộc và tại các nhà điều hành trạm biến áp 220/110kV do tổng công ty quản lý.
Việc lắp đặt hệ thống điện Mặt trời nhằm đáp ứng một phần cho nhu cầu sử dụng hàng ngày của các tòa nhà; góp phần làm giảm mức tiêu thụ năng lượng, tiết kiệm chi phí hoạt động của tòa nhà, thực hiện theo chủ trương chung về tiết kiệm chi phí của tổng công ty. Ngoài ra, việc này còn góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng văn phòng, trụ sở các cơ quan đơn vị nhà nước và đơn vị hành chính sự nghiệp về việc sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Trước đó, tổng công ty cũng đã có công trình lắp đặt pin Mặt trời cho hộ dân ở xã đảo Thạnh An của huyện Cần Giờ; dự án đến nay ra sao, thưa ông?
Trước đây, vào năm 2011, tổng công ty đã đầu tư hệ thống pin Mặt trời để cấp điện cho 172 hộ dân tại ấp đảo Thiềng Liềng (thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) với sản lượng điện hàng tháng vào khoảng 11.500kWh. Đến năm 2016, tổng công ty đã triển khai công trình xây dựng mới lưới điện 22kV xuyên rừng, cung cấp điện lưới quốc gia cho người dân ấp Thiềng Liềng thuộc xã đảo Thạnh An. Do đó, hệ thống pin Mặt trời tại đây đã được thu hồi và chuyển sang phục vụ cho một số hộ dân sống rải rác trong khu vực rừng phòng hộ của huyện Cần Giờ, nơi lưới điện quốc gia chưa phát triển tới.
Theo ông, điện Mặt trời tiềm năng lớn; chính quyền TPHCM cũng có chính sách khuyến khích việc lắp đặt điện Mặt trời. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa như mong đợi; nguyên nhân vì sao, thưa ông?
Những năm trước đây, do giá thành tấm pin Mặt trời còn cao và Nhà nước chưa ban hành cơ chế hỗ trợ giá điện Mặt trời nên người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư còn e dè trong việc đầu tư loại điện năng này. Tuy nhiên, trong giai đoạn năm 2013-2015 vừa qua, công suất lắp đặt nguồn điện Mặt trời trên địa bàn thành phố đã có bước tăng trưởng nhanh qua từng năm.
Nếu năm 2013, chỉ có 200kWp thì đến năm 2015 đã lên đến gần 1MWp. Tính đến tháng 7-2017, công suất lắp đặt điện Mặt trời trên địa bàn TPHCM ước tính đạt 3MWp. Dự kiến trong thời gian tới, số lượng chủ đầu tư đặt hệ thống điện Mặt trời nối lưới sẽ ngày càng tăng khi Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện Mặt trời tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1-6-2017. Quyết định trên được đánh giá sẽ thúc đẩy sự quan tâm, phát triển của doanh nghiệp, người dân, nhất là với một đô thị năng động và phát triển như TPHCM.
Vậy theo ông, TPHCM cần có thêm những giải pháp hoặc kiến nghị các chính sách nào để khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp đặt điện Mặt trời?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và để góp phần nâng cao công suất lắp đặt điện Mặt trời, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã kiến nghị lãnh đạo thành phố xem xét một số giải pháp như sau: Tiếp tục triển khai mạnh các chương trình tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; tập trung hướng đến việc sử dụng bình nước nóng năng lượng Mặt trời và lắp đặt điện Mặt trời nối lưới. Vận động các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước, trường học, bệnh viện… chủ động xây dựng kế hoạch trang bị lắp đặt hệ thống điện Mặt trời nối lưới tại tòa nhà của đơn vị.
Nghiên cứu, ban hành cơ chế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khi lắp đặt điện Mặt trời nối lưới, tương tự như việc hỗ trợ 1 triệu đồng/bình trong chương trình quảng bá sử dụng bình nước nóng năng lượng Mặt trời trước đây. Đẩy nhanh việc nghiên cứu và đưa vào triển khai đề án “Năng lượng Mặt trời trên mái nhà tại TPHCM” do Ngân hàng Thế giới tài trợ.