Tiền điện sẽ tăng
Dự báo, trong 3 tháng tiếp theo (4, 5, 6), nắng nóng vẫn còn tiếp tục kéo dài và nhu cầu sử dụng điện cũng như sản lượng điện tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng, hóa đơn tiền điện sẽ tăng.
Ngoài lý do giá điện tăng (theo Quyết định 648/QĐ-BCT của Bộ Công thương ngày 20-3-2019 vừa qua) thì hàng năm, vào các tháng nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện cũng tăng rất cao.
Nhìn vào biểu đồ thống kê sản lượng điện từ năm 2014-2018 do Trung tâm Điều độ hệ thống điện TPHCM ghi nhận, có thể thấy rõ lượng điện tiêu thụ tháng 3 và tháng 4 hàng năm tăng cao so với tháng 2, có năm tăng đến 50% (ảnh).
Theo phân tích của Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), tiền điện tháng 3 và các tháng tiếp theo tăng hơn so với tháng 2, bởi 3 yếu tố sau:
Một là, lượng điện tiêu thụ của các hộ gia đình sẽ tăng lên do nắng nóng như đã đề cập ở trên.
Hai là, điện được tính theo giá mới. Cụ thể, khung giá cho đối tượng sinh hoạt bậc thang cũ - mới như sau:
Ba là, tháng 3 trở đi (30 hoặc 31 ngày) có số ngày nhiều hơn số ngày trong tháng 2 (28 ngày). Bên cạnh đó, các nhà máy, kinh doanh dịch vụ mới đẩy mạnh hoạt động sau tết (từ cuối tháng 2) nên mức sử dụng năng lượng sẽ tăng cao hơn trước đó.
Kêu gọi người dân sử dụng điện tiết kiệm
Lượng điện tiêu thụ tăng cùng đơn giá tiền điện tăng sẽ làm tổng số tiền điện phải trả tăng cao. Vì vậy, ngành điện mong muốn khách hàng lưu ý, để từ đó sử dụng điện tiết kiệm.
EVNHCMC kêu gọi quý khách hàng, doanh nghiệp, các cơ quan công sở và tất cả người dân quan tâm, nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Tiết kiệm điện vừa giúp giảm chi phí tiền điện vừa góp phần vào việc vận hành ổn định nguồn điện cấp cho thành phố.
Các doanh nghiệp sản xuất cần cân đối bố trí lịch sản xuất theo hướng tiết giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm, tăng cường sử dụng điện trong giờ thấp điểm, đầu tư các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng và phối hợp với ngành điện theo dõi, kiểm soát chất lượng điện năng.
Người dân nên sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng yêu cầu. Khi mua thiết bị điện, nhất là những thiết bị có công suất tiêu thụ lớn, khách hàng nên mua những sản phẩm có dán nhãn tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, người dân cũng cần kiểm tra lại đường dây và thiết bị bảo vệ điện trong nhà để bảo đảm an toàn cũng như chống thất thoát, tổn hao điện.
Mặt khác, TPHCM nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh nên tiềm năng sử dụng điện mặt trời là rất lớn. Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích người dân lắp đặt các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để sử dụng và có thể bán lại phần điện dư cho ngành điện với giá 9,35 UScents/kWh.
Việc ký hợp đồng và thanh toán tiền điện sẽ được triển khai từ 25-4-2019 (ngày Thông tư 05/2019/TT-BCT có hiệu lực); do vậy, quý khách hàng có thể liên hệ các nhà cung cấp, lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để tìm hiểu, lắp đặt cho gia đình nhằm tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng; đồng thời bảo vệ môi trường do sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Về chương trình điện năng lượng mặt trời trên mái nhà nói trên, đến nay đã có 1.380 khách hàng lắp đặt hệ thống này và ký hợp đồng bán lại điện cho ngành điện với giá 9,35 UScents/kWh (tương đương 22.134 đồng Việt Nam, tính từ ngày 1-1 - 31-12-2019).
“Điện mặt trời áp mái tuyệt đối an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe như nhiều người lo ngại khi lắp “nhà máy phát điện” trên nóc nhà. Bản thân gia đình các lãnh đạo EVNHCMC đều lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà để làm gương, nên người dân yên tâm”, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, khẳng định như trên tại hội nghị gặp gỡ các phóng viên báo chí tổ chức mới đây.
EVNHCMC khuyến nghị bất cứ người dân nào biết hoặc có thông tin chính xác về việc chủ nhà trọ bán điện cao hơn giá quy định, có thể phản ánh qua tổng đài 1900545454. EVNHCMC cam kết giữ bí mật thông tin và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có chế tài phù hợp với những người bán điện giá cao hơn giá quy định. |