Với kim ngạch xuất khẩu hơn 30 tỷ USD/năm, ngành dệt may đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, song chất thải hóa chất cũng khiến ngành này trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.
Trước thực tế này, trong 3 năm qua, Chương trình cải thiện hiệu quả tài nguyên Việt Nam đã hỗ trợ 82 nhà máy dệt may và da giày tại Việt Nam, đầu tư 37 triệu USD vào các biện pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được 30 triệu USD/năm nhờ tiết giảm sử dụng nước, năng lượng và hóa chất. Ngoài ra, các nhà máy đã tiết kiệm được tổng cộng 4 triệu m3 nước và giảm được 303.000 tấn phát thải khí nhà kính/năm.
Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú (PPJ) cho biết, việc cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và gia tăng sản lượng đã giúp doanh nghiệp thu hút được thêm các khách hàng mới - vốn đang tìm kiếm những nhà cung cấp đáp ứng được các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu.
Không chỉ có thêm nhiều đơn hàng mới, các biện pháp này đã giúp PPJ tiết giảm lượng điện sản xuất được gần 7 triệu kWh/năm và tiết kiệm được 200.000m3 nước/năm. Nhờ đó, công ty tiết kiệm được 700.000 USD/năm, đồng thời tăng lương cho công nhân, khuyến khích họ ở lại làm việc cho công ty.
Theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc khu vực Việt Nam, Campuchia và Lào của IFC, những giải pháp này vừa giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất vừa cải thiện được tính cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.