Tiết giảm chi phí để hàng tết có giá tốt

Dù chưa thể dự báo ngành hàng nào sẽ được mua sắm nhiều trong dịp tết sắp tới, song các doanh nghiệp (DN) vẫn chủ động nguyên liệu đầu vào, tiết giảm mọi chi phí để giữ giá tốt cũng như ra mắt những sản phẩm phù hợp với kỳ vọng thu hút khách hàng.

Hàng hóa tết được chuẩn bị kỹ lưỡng với giá cả được giữ ổn định
Hàng hóa tết được chuẩn bị kỹ lưỡng với giá cả được giữ ổn định

Cố gắng duy trì mức giá tốt

Tình hình kinh doanh của các DN ở khu vực TPHCM thời gian gần đây được ghi nhận đã có phần khả quan hơn. Theo kết quả khảo sát nhanh quý 3-2024 của Hiệp hội DN TPHCM (HUBA), số DN có doanh thu tăng chiếm 38,5% và giá trị hàng tồn kho giảm còn 24,1%. Ngoài ra, HUBA cũng ghi nhận tín hiệu tích cực khi 53,4% DN đánh giá thị trường sẽ tốt hơn và chỉ 10,3% DN lo ngại thị trường xấu đi. Đây được cho là cơ sở để DN có niềm tin cho việc chuẩn bị hàng hóa kinh doanh dịp tết sắp tới.

Theo đó, từ cuối quý 3-2024, ngoài chủ động nguyên liệu đầu vào, tiết giảm mọi chi phí để giữ giá tốt, các DN sản xuất đã nghiên cứu thị hiếu khách hàng để cho ra mắt sản phẩm phù hợp mùa mua sắm cuối năm. Chẳng hạn, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) dự kiến tăng lượng hàng mùa tết 8% so với năm ngoái, tổng giá trị 550 tỷ đồng nhằm đảm bảo nhu cầu của người dân TPHCM. Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty VISSAN, cho biết, hiện tại, về cơ bản nguồn hàng phục vụ tết của VISSAN đã chuẩn bị xong, với các sản phẩm tập trung chính là thịt tươi sống, thịt chế biến… Để thu hút khách hàng mua sắm, VISSAN dự kiến ra mắt dòng sản phẩm mới, chú trọng vào tính tiện lợi, nhanh chóng như sản phẩm chả lụa que hướng đến phân khúc khách hàng trẻ. Để kích cầu tiêu dùng, VISSAN cũng sẽ duy trì các hoạt động khuyến mãi theo hình thức cuốn chiếu. Các mặt hàng thực phẩm chế biến sẽ luân phiên giảm giá đến 30%, thực phẩm tươi sống cũng giảm giá nhưng ở mức thấp hơn.

Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, việc chuẩn bị hàng tết đã được triển khai từ rất sớm. Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Xuân Nguyên, dù sức mua chưa tăng như kỳ vọng, song công ty đã có kế hoạch phân bổ ngân sách để chuẩn bị nguồn hàng cho tháng cao điểm tết. Đặc biệt, do đặc thù hoạt động của Tập đoàn Xuân Nguyên là liên kết với các hộ nông dân ở một số địa phương nên trong giao kết có bao tiêu sản phẩm của họ. Vì vậy, dù thị trường biến động, công ty vẫn có sự cân đối để có thể vừa đảm bảo đầu ra cho nông dân vừa đảm bảo giá cả và sản lượng cho người tiêu dùng. “Chúng tôi cố gắng tiết giảm các chi phí vận hành, chi phí sản xuất để sản phẩm có giá cạnh tranh nhất”, ông Vũ chia sẻ.

Ở góc độ phân phối, nhà bán lẻ hàng tiêu dùng Saigon Co.op cho biết, cơn bão số 3 và số 6 gần đây đã ảnh hưởng đến nguồn cung nông sản, vì thế DN phải phối hợp với nhà cung cấp và vùng trồng để bảo đảm lượng hàng, giá cả đầu vào cho sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, năm nay, Saigon Co.op đầu tư tài chính nhiều hơn để bao tiêu nông sản và đã lên kế hoạch từ 3-6 tháng để chung tay cung cấp sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý đến người tiêu dùng. Nhà bán lẻ này nhận định, năm nay, nhóm hàng phục vụ người lao động bình dân, người yếu thế sẽ tiêu thụ mạnh nên tập trung đẩy mạnh cung ứng hàng hóa giá thấp hơn so với giá hàng ngày. “Saigon Co.op đã có kế hoạch phối hợp với nhà sản xuất, nhà cung cấp dự trữ tăng 30%-40% so với ngày thường đối với nhóm khách hàng yếu thế, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích thích sức mua”, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết. Theo ông Thắng, những ngày cận tết, các siêu thị Co.opmart sẽ tổ chức nhiều hơn các chuyến hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa, khu vực bị ảnh hưởng bão lũ.

Giới thiệu giỏ quà tết ra thị trường

Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, từ đầu tháng 11-2024, nhiều DN đã bắt đầu đưa giỏ quà tết ra thị trường. Ghi nhận tại Tuần lễ sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm đặc trưng các vùng miền và công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản năm 2024 tổ chức ở TPHCM mới đây cho thấy, hộp quà tết với sản phẩm chủ đạo là nông sản, đặc sản đã được DN giới thiệu đến người tiêu dùng. Về mức giá, các hộp quà phổ biến từ 500.000 đồng trở lên, trong đó các hộp quà có thành phần sâm Ngọc Linh giá trên dưới 2 triệu đồng/hộp.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc thương hiệu cà phê nông sản Meet More, cho biết, mẫu hộp quà tết năm nay của công ty vẫn dùng sản phẩm chủ lực là các loại cà phê nông sản như cà phê nhàu, cà phê khoai môn… Ngoài ra, công ty đã thiết kế thêm mẫu hộp quà mới với các sản phẩm đặc trưng từ yến. Còn ông Nguyễn Công Tín, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Bologna, cho biết, hiện người dân có xu hướng sống xanh, thường lựa chọn những sản phẩm tốt cho sức khỏe, vì vậy hộp quà tết của công ty được thiết kế theo tiêu chí này. “Quà tết của chúng tôi gồm 5 sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh như trà sâm, bánh quy sâm… với giá xấp xỉ 1,5 triệu đồng/hộp. Chúng tôi dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 5.000 hộp quà trong mùa tết sắp tới cho các khách hàng là DN có nhu cầu biếu tặng”, ông Tín nói.

Theo các DN, vẫn còn khá sớm để dự báo sức mua bởi đa phần người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu hàng ngày và có độ nhạy cảm về giá. Do vậy, các bộ quà tết cũng được thiết kế với phương châm giữ giá ổn định so với năm ngoái, thậm chí các DN còn thực hiện giảm khoảng 10% cho khách hàng mua với số lượng lớn.

Tin cùng chuyên mục