1. Năm học 2022-2023, cô Lê Thị Tuyết Nhung được ban giám hiệu nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 1/1, sĩ số lớp có 25 em, được áp dụng dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 - với chương trình bộ sách “Chân trời sáng tạo”.
Sinh ra và lớn lên tại địa phương nên cô biết rõ hoàn cảnh từng gia đình của học trò mình. An Phú là xã vùng sâu của TPHCM, vì vậy các em học sinh còn chịu thiệt thòi nhiều mặt. Do điều kiện gia đình khó khăn, hầu hết các em đến tuổi vào lớp 1 đều chưa học mẫu giáo. Em nào cũng nhút nhát, e dè, ngại phát biểu, trao đổi cùng bạn bè trong lớp. Thậm chí, các em chưa biết chuẩn bị bài và dụng cụ học tập ở nhà trước khi đến trường.
Cô Lê Thị Tuyết Nhung tận tâm phụ đạo để các em học sinh tiến bộ |
Vào dạy hơn một tháng, cô Nhung đã thấy “choáng” vì xuất hiện trăm điều khó cho cô lẫn trò, những điều mà trước đó, khi đi tập huấn chương trình nội dung sách giáo khoa mới, cô vẫn chưa lường được.
Cô Nhung chia sẻ: “Tôi đã trực tiếp giảng dạy 10 năm lớp 1, đồng thời giữ nhiệm vụ tổ trưởng khối 1 và từng thực hiện giảng dạy theo chương trình sách giáo khoa năm 2000. Tôi nhận thấy chương trình sách giáo khoa mới có vẻ nặng nề hơn chương trình sách giáo khoa năm 2000. Học sinh được yêu cầu học kiến thức nhiều, môn tiếng Việt khi học hết tuần 13 thì các em đã phải viết chữ được; trong khi đó, theo chương trình năm 2000 thì phải sang đầu học kỳ 2 (tuần 18) mới yêu cầu học sinh viết được chữ.
Phần đọc câu ứng dụng theo chương trình sách giáo khoa năm 2000 chỉ có 2-3 câu đơn giản; còn theo chương trình sách giáo khoa mới, các em có khi phải đọc nguyên bài thơ. Sách mới thiết kế cứ mỗi buổi học tiếng Việt các em học 2 âm, sau đó ghép vần và viết luôn chính tả; dẫn đến có em học sinh đọc chưa rành, cầm bút chưa cứng. Viết chữ nguệch ngoạc chưa đâu vào đâu lại phải viết chính tả nên không ít em cứ ngồi cắn bút ngẩn tò te”.
2. Thấy một số học sinh lớp mình chủ nhiệm có tình trạng “đuối”, không thể theo kịp bạn bè nên ngay ở phiên họp phụ huynh học sinh đầu năm học, cô Nhung trao đổi với phụ huynh học sinh là cô mong muốn tổ chức phụ đạo học sinh vào cuối giờ học hàng ngày, để giúp các em có sức học yếu vừa nhớ lại kiến thức vừa củng cố bài mới.
Tiết phụ đạo sẽ tạo điều kiện cho các em đọc thông, viết thạo bài học theo phân phối chương trình quy định. Việc phụ đạo thật sự rất cần thiết, bởi chương trình, nội dung sách mới áp dụng trong năm học này khá khó; chắc chắn một số phụ huynh sẽ gặp trở ngại khi chưa biết cách dạy con đọc, ráp vần và luyện viết sao cho con hiểu, nắm được bài học.
Sau khi đã trao đổi với phụ huynh, hàng ngày sau giờ học buổi sáng, cô Nhung giữ những em có sức học yếu ở lại để phụ đạo khoảng nửa tiếng đồng hồ, giúp các em nắm lại bài học, luyện thêm chữ viết, chính tả. Khi thấy con mình tiến bộ hơn, nhiều phụ huynh đồng tình hưởng ứng và hứa sẽ động viên con, nhắc nhở con ăn sáng thật no để ở lại học thêm, đồng thời phụ huynh đồng ý đón con trễ một chút.
Suốt năm học 2022-2023, cô Nhung duy trì đều đặn hoạt động phụ đạo cho học sinh yếu. Cô tâm sự cùng đồng nghiệp:“Tôi dạy tiết phụ đạo này hoàn toàn không có trong kế hoạch bài dạy và thời khóa biểu nhà trường quy định nên khá thoải mái, không chịu áp lực nào. Tôi tự thiết kế bài dạy, tìm phương pháp áp dụng hiệu quả cho việc ôn bài cũ, học bài mới của các em”.
Nhiều tháng qua, cô Nhung tận tụy kèm từng em, dạy cho đến khi các em phát âm đúng, tự viết được chữ. Học sinh lớp 1 ở Trường Tiểu học An Phú 2 đã đọc thông, viết thạo nhờ vào tiết dạy không có trong giáo án của cô giáo Lê Thị Tuyết Nhung.