
Dự thảo luật lần này điều chỉnh, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, như: thẩm quyền xác định khu vực bỏ phiếu, tăng số lượng thành viên ủy ban bầu cử cấp xã, và bổ sung thành phần Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã tham gia hiệp thương tại cấp tỉnh, thành phố.
Về hình thức tiếp xúc cử tri, nhiều đại biểu cho rằng cần ưu tiên tiếp xúc trực tiếp để đảm bảo tính gần gũi, minh bạch. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị chỉ sử dụng hình thức trực tuyến trong trường hợp bất khả kháng, bởi tiếp xúc trực tiếp giúp cử tri hiểu rõ hơn người đại diện cho mình.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến sẽ được áp dụng trong thời gian tới. Cụ thể, một điểm tiếp xúc trực tiếp sẽ kết nối trực tuyến đến nhiều điểm khác, giúp tăng lượng cử tri tham gia và tăng cường tương tác giữa đại biểu và cử tri.

Liên quan thẩm quyền xác định khu vực bỏ phiếu, một số ý kiến cho rằng nên giao toàn quyền cho UBND cấp xã. Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) và Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đều đề nghị thống nhất để UBND xã quyết định.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) ủng hộ quy định linh hoạt như dự thảo để phù hợp với điều kiện địa bàn miền núi, sau sáp nhập có thể phát sinh bất cập về khoảng cách địa lý. ĐB dẫn chứng cụ thể như huyện Tương Dương, Nghệ An với diện tích hơn 2.807km2, rất rộng. Dân của xã này nhưng lại gần trụ sở xã kia hơn, vì thế cần thiết nên có quy định mở để UBND cấp tỉnh có thể xử lý.

Giải trình về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị giữ nguyên như dự thảo, đồng thời sẽ quy định rõ thế nào là “trường hợp cần thiết” để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn triển khai.
Trước đó cùng ngày, Quốc hội đã thông qua ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026–2031, diễn ra vào Chủ nhật, ngày 15-3-2026.