Thành quả của 8 năm nỗ lực
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội toàn cầu gặp nhiều khó khăn, bất định, việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng quốc tế ngày càng khó khăn và đòi hỏi nỗ lực cao hơn. Để giữ được sức hút của mình đối với cộng đồng kinh doanh quốc tế và tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước, việc ban hành và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 02 là hết sức quan trọng.
Kể từ năm 2014, hàng năm, Chính phủ đều ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19/NQ-CP từ năm 2014 đến năm 2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP từ năm 2019 đến 2021) với mục tiêu, giải pháp cụ thể, bám sát chỉ số xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín. Qua 8 năm nỗ lực cải cách, vị trí của Việt Nam trên hầu hết các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp cũng có thể thấy, chất lượng môi trường kinh doanh được cải thiện tích cực những năm qua, tuy mức độ còn khác nhau giữa các lĩnh vực. Năm 2020, có 58,2% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh cải thiện tốt, cao hơn rõ rệt so với kết quả năm 2017 (51,7%). Tất cả các chỉ số về môi trường kinh doanh đề ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP đều có cải thiện, tuy mức độ cải cách còn khác biệt. Trong 10 lĩnh vực cải cách môi trường kinh doanh thì “thành lập doanh nghiệp” và “tiếp cận điện năng” là những lĩnh vực được đánh giá có cải thiện tốt nhất.
Tuy vậy, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta đang có xu hướng chững lại. Năm 2021 so với năm 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ vị trí 42 xuống vị trí 44). Chỉ số phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ 73,8 điểm xuống 72,8 điểm và theo đó giảm 2 bậc từ hạng 49 xuống hạng 51). Quyền tài sản vừa giảm điểm vừa giảm bậc, đặc biệt chỉ số cảm nhận tham nhũng cũng giảm 8 bậc.
Pháp lý rõ ràng, điều hành thống nhất
Với mục tiêu tổng quát là duy trì thứ hạng năng lực cạnh tranh của nước ta thuộc nhóm ASEAN 4, với những mục tiêu phấn đấu rất cụ thể nhằm cải thiện vị trí của nước ta trên bảng xếp hạng quốc tế. Theo đó, xếp hạng Năng lực cạnh tranh 4.0 (của WEF) tăng 2-3 bậc trong năm 2022 và thuộc nhóm 50 nước đứng đầu đến hết năm 2025; xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo (của WIPO) tăng ít nhất 2 bậc trong năm 2022 và thuộc nhóm 40 nước đứng đầu đến hết năm 2025; xếp hạng quyền tài sản tăng ít nhất 4 bậc năm 2022 và thuộc nhóm 60 nước đứng đầu đến hết năm 2025…
Các bộ, ngành, tỉnh được yêu cầu tăng cường theo dõi, chịu trách nhiệm cải thiện bộ chỉ số và chỉ số thành phần; giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp; cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh. Bộ KH-ĐT là “người gác cửa” cho Chính phủ trong vấn đề này thông qua việc nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; đánh giá sự cần thiết của từng ngành nghề trong danh mục; kiến nghị đưa các ngành nghề ra khỏi danh mục nếu yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học, thiếu cơ sở thực tiễn, không có mục tiêu quản lý hoặc không có mục tiêu quản lý rõ ràng.
Cùng đó, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng: cần triệt để chuyển đổi số đồng bộ cả 3 phương diện: số hóa dữ liệu, số hóa quy trình và thống nhất 1 ứng dụng vận hành. Chính phủ, chính quyền các địa phương cần đồng hành với doanh nghiệp mọi nơi, mọi lúc, nhanh chóng giải quyết công việc theo phương châm lấy hiệu quả làm đầu; nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. “Đừng quá câu nệ thủ tục, quy trình thì mới thúc đẩy được sự sáng tạo”, ông Cung nhấn mạnh.
Liên quan đến nguyên tắc lấy hiệu quả làm đầu thì việc rà soát, thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là một trong những nút thắt cần gỡ. Từ phản ánh của doanh nghiệp, dự thảo Nghị quyết 02 dự kiến sẽ quy định cắt giảm danh mục trên theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2022-2023), rà soát, cắt giảm những gì bất hợp lý trên “nền” quy định của pháp luật hiện hành. Giai đoạn 2 (2023-2025), trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế về phạm vi hàng hóa xuất nhập khẩu, tiếp tục rà soát, cắt giảm theo hướng chỉ tập trung quản lý đối với thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm, hàng hóa khác có khả năng gây thương vong cho con người, gây nguy hại cho trẻ em, động thực vật. Đối với các sản phẩm, hàng hóa được cắt giảm, nhà nước quản lý bằng các quy định tiêu chuẩn an toàn; người sản xuất, kinh doanh tự tuân thủ…