Theo đó, năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ TN-MT đã ký kết chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020. Đến nay, có 63/63 tỉnh, thành phố ký chương trình phối hợp hoặc kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Sở TN-MT, các tổ chức tôn giáo cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực này.
Theo báo cáo tổng kết, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường từng bước đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhân dân hiểu rõ hơn về bảo vệ môi trường, tác động của môi trường đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt, tập quán, sản xuất. Qua đó đã hình thành được ý thức giữ gìn vệ sinh, cảnh quan “sáng-xanh-sạch-đẹp”, sống thân thiện với môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, từng bước khắc phục thói quen tiêu dùng xâm hại đến tài nguyên và môi trường. Người dân đã nêu cao ý thức, trách nhiệm hơn trong giám sát việc bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân trong quá trình triển khai hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn khu dân cư. Nhân dân ở một số nơi đã mạnh dạn đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm về TN-MT của các cá nhân, doanh nghiệp ở địa phương. Những kết quả đạt được trong giai đoạn 2017-2020 của Mặt trận các cấp và ngành TN-MT đã góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã đồng loạt tổ chức lễ mít tinh Ngày Môi trường thế giới (ngày 5-6) tại 5.393 khu dân cư với số lượng người tham dự lên đến 647.160 người, đã khơi thông được 102.898km dòng chảy, trồng được 2.854.603 cây xanh và thu gom được 1.868.420 khối rác thải trong đó có 220.705 khối rác thải nhựa, huy động được hơn 8,2 triệu ngày công và nhân dân đóng góp vật tư quy ra tiền hơn 168 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện chương trình cũng cho thấy, nhận thức, hiểu biết về tầm quan trọng của việc bảo vệ TN-MT của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế; ý thức một số hộ chưa cao, chưa thực hiện nghiêm túc hương ước, quy ước và cam kết bảo vệ TN-MT. Môi trường ở nhiều nơi vẫn còn ô nhiễm, trở thành vấn đề nổi cộm, một thách thức đối với phát triển bền vững. Môi trường nước, không khí tại nhiều cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, lưu vực sông không bảo đảm an toàn. Công tác thu gom, xử lý rác thải chưa đáp ứng được yêu cầu. Áp lực và hệ quả của sự phát triển kinh tế đối với môi trường ngày càng lớn, làm cho việc phục hồi các hệ sinh thái và chất lượng môi trường không thể đạt được trong một thời gian ngắn. Sự phối hợp tổ chức các hoạt động giữa 2 bên chủ yếu là hoạt động bề nổi, chưa có điều kiện đi sâu nắm bắt và tháo gỡ giúp địa phương giải quyết những bức xúc về công tác bảo vệ môi trường.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, sau khi ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025, 2 bên sẽ tập trung vào việc vận động nhân dân và giám sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chấp hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; cải thiện môi trường ở các đô thị lớn, khu công nghiệp, làng nghề. Đặc biệt là giảm mạnh rác thải nhựa, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong hệ thống mặt trận và chính quyền các cấp cũng như trong nhân dân.
Đối với các xã đã về đích nông thôn mới, mặt trận các cấp sẽ tập trung vận động nhân dân duy trì và nâng cấp tiêu chí số 17 về môi trường, hiện đại hóa quy trình thu gom và xử lý rác thải, nước thải, khí thải, tích cực xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, những năm qua, Bộ TN-MT đã tích cực triển khai các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, nước ta vẫn đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được quản lý và sử dụng một cách chặt chẽ và hiệu quả... Điều đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và người dân trên cả nước công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng cho rằng, Bộ TN-MT sẽ phối hợp với mặt trận để tăng cường giám sát việc thực hiện các quy hoạch, đánh giá môi trường chiến lược cũng như đánh giá tác động môi trường; giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp; giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước ... “Cần có sự tham gia phản biện sâu hơn nữa của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong quá trình hoạch định, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị.
Đồng thời, tập trung ưu tiên xây dựng mới và nhân rộng tới các khu dân cư, cơ sở tôn giáo trong cả nước các mô hình về thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn và giữ gìn vệ sinh môi trường ở cộng đồng dân cư; Tổ chức đánh giá và công bố mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống; Tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nói không với túi ni lông khó phân hủy, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tiếp tục vận động các cộng đồng dân cư thay đổi thói quen, tập quán việc mai táng sang hỏa táng..