Đại diện một số ngành hàng như dệt may - da giày phấn khởi cho biết đã có đơn hàng đến tháng 6 hay ngành gỗ đang có mức tăng trưởng 15% so với cùng kỳ nhờ công tác kiểm soát dịch Covid-19 trong nước thực hiện tốt.
Tuy nhiên, hầu hết hiệp hội ngành hàng đều lo ngại giá xăng dầu tăng liên tục cao đang “uy hiếp” tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Đặc biệt, giá nguyên phụ liệu, logistics… có nguy cơ sẽ tăng mạnh, dẫn đến một số ngành hàng như dệt may - da giày chuyên gia công xuất khẩu sẽ thêm gánh nặng.
Với những khó khăn có thể phải đối mặt trong thời gian tới, hiệp hội ngành hàng kiến nghị Sở Công thương đề xuất TPHCM xem xét lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển đến tháng 1-2023; hỗ trợ doanh nghiệp các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; tăng cường kết nối ngân hàng, hỗ trợ lãi suất để đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao; thông tin rõ ràng về chính sách tài chính, tài khóa, đặc biệt ở lĩnh vực thuế. Về lâu dài, cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics kết nối đồng bộ với các tuyến vành đai đường bộ, cảng biển nhằm kéo giảm chi phí di chuyển; tăng cường bố trí quỹ đất phát triển các ngành công nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ bày tỏ lo ngại tình hình lạm phát trên thế giới và giá dầu dự báo có thể tiếp tục tăng, vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít. Tuy vậy, trong điều kiện hiện nay, nếu doanh nghiệp tăng giá sản phẩm, đầu ra sẽ càng khó do sức mua yếu. Để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, năm 2002, ngành công thương thành phố sẽ thực hiện chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Đồng thời, sở tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết vùng…