Ngày 7-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp nghe Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo tình hình dịch Covid-19 và các biện pháp mới.
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo quốc gia cho rằng, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, với số mắc và số tử vong cao ở nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài để có thể nới lỏng được ở bên trong nhằm thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.
Ban Chỉ đạo kiến nghị Thủ tướng về việc tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm soát người nhập cảnh và thực hiện cách ly 14 ngày một cách phù hợp và xét nghiệm đối với tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam
Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện phần mềm nCoV theo hướng lược bớt các thông số để đơn giản hơn trong việc khai báo và khẩn trương hoàn thiện, đẩy mạnh việc ứng dụng phần mềm Bluzone để áp dụng hiệu quả. Bên cạnh đó cần tiếp tục thực hiện các biện pháp bắt buộc như đeo khẩu trang ở nơi công cộng và trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng; thường xuyên rửa tay đảm bảo vệ sinh cá nhân; thực hiện giãn cách 1m khi xếp hàng tại những nơi đông người.
Ban chỉ đề xuất đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang trong lớp học, phải giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay. Định kỳ mở cửa sổ, cửa chính để thông thoáng khí; nhà trường tăng cường các biện pháp lau khử khuẩn bề mặt, vệ sinh phòng/lớp học, nhà vệ sinh; không bắt buộc thực hiện giãn cách trong lớp học; hạn chế tiếp xúc giữa các lớp học với nhau và hạn chế tiếp xúc chỗ đông người; không sử dụng mũ, nón hoặc tấm chắn giọt bắn cho học sinh.
Ban chỉ đạo cũng kiến nghị cho phép các dịch vụ kinh doanh dịch vụ không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường (trừ vũ trường, quán bar, karaoke), phải đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch bệnh (đeo khẩu trang, sát trùng tay); Kiến nghị bỏ giới hạn về số chỗ trên các phương tiện giao thông công cộng (máy bay, xe khách, xe lửa…) nhưng yêu cầu bắt buộc hành khách đeo khẩu trang, sát trùng tay; Kiến nghị cho phép tổ chức một số hoạt động thể thao, sự kiện tập trung đông người… nhưng phải bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch bệnh (đeo khẩu trang, sát trùng tay).
Đối với hoạt động khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, Ban Chỉ đạo kiến nghị vẫn áp dụng đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, kiểm tra thân nhiệt tại cổng vào các cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, cho phép nới lỏng các quy định như: thực hiện giãn cách tối thiểu 1m đối với các tại các khu chờ và giữa các giường điều trị; cho phép số lượng người ăn tại các khoa dinh dưỡng phù hợp với khả năng đáp ứng; số lượng y, bác sĩ tham gia giao ban bệnh viện, giao ban khoa phòng với số lượng phù hợp với các phòng giao ban; vẫn thực hiện khai báo y tế khi tới khám, chữa bệnh nhưng đơn giản hơn tạo thuận lợi khi thực hiện. Tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở thu dung điều trị, bệnh viện dã chiến và các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng cho biết, 21 ngày qua không có ca mắc mới trong cộng đồng. Chúng ta đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch Covid-19, dần trở lại công việc bình thường trong trạng thái mới. 100% số tỉnh, thành cho học sinh đi học trở lại ổn định. Tuy nhiên, chúng ta không thể lơ là, mất cảnh giác bởi nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài còn lớn. Tình hình dịch bệnh trên toàn cầu còn diễn biến xấu, nhiều nước đang lây nhiễm mạnh, số người tử vong cao. Một số nước ASEAN tình hình diễn biến phức tạp. Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh.
Do đó, Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận các biện pháp đối với trong nước, ngoài nước. Trong nước, phải bàn rõ tiếp tục giảm “giãn cách xã hội” thế nào để trở lại hoạt động bình thường. “Chứ vào lớp học vừa đội mũ bảo hộ, vừa đeo khẩu trang thì làm sao các em học được trong khi mùa hè nóng bỏng này”; các ngành nghề tiếp tục được hoạt động trở lại như thế nào.
“Mở ra mạnh mẽ hơn trong nước là hướng quan trọng để bảo đảm sản xuất, kinh doanh bình thường nhưng đề cao cảnh giác. Số lượng người Việt Nam ở nước ngoài về cần tiếp tục được kiểm soát như thế nào, điều này cũng cần phải tính”, Thủ tướng nêu vấn đề.