Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội: Quốc hội đổi mới, hành động

Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hơn nữa để thực sự nói lên tiếng nói của cử tri cũng như có nhiều hình thức để huy động sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, cử tri vào công tác lập pháp. Đó là những kiến nghị quan trọng của nhiều ĐB Quốc hội khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP với mong muốn Quốc hội đổi mới, hành động.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ:

Quốc hội đã có những giải pháp linh hoạt về lập pháp, chưa từng có tiền lệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Ngay từ năm thứ nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (năm 2021), thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng chương trình xây dựng pháp luật của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Lần đầu tiên từ khi Đổi mới đến nay, Bộ Chính trị ban hành một văn bản chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng nhằm định hướng, giao nhiệm vụ lập pháp trong cả một nhiệm kỳ Quốc hội, làm cơ sở cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan cụ thể hóa vào chương trình công tác, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Đây cũng là cơ sở để kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng thể chế của các cơ quan, để công tác xây dựng pháp luật luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, qua đó hiện thực hóa 1 trong 3 đột phá chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là “hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển”.

Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, ngày 5-11-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần triển khai trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tính đến hết tháng 12-2022, đã có 95/137 nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát và nghiên cứu xây dựng mới (đạt 69,3%). Trong đó, có 22 nhiệm vụ đã được Quốc hội thông qua việc sửa đổi, xây dựng mới các luật, nghị quyết; 19 nhiệm vụ đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình công tác năm 2023; 54 nhiệm vụ đã hoàn thành việc rà soát nhưng chưa có đề xuất sửa đổi, xây dựng luật, nghị quyết.

Để đạt kết quả quan trọng đó, Quốc hội đã có những giải pháp linh hoạt về lập pháp, chưa từng có tiền lệ để kịp thời giải quyết các vấn đề bất cập, vướng mắc về thể chế, pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu, tình hình thực tế, nhất là công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau đại dịch. Trong đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 để ủy quyền, giao UBTVQH, Chính phủ quyết định nhiều nội dung quan trọng chưa được luật quy định hoặc khác quy định của luật để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh phục vụ hiệu quả cho công tác phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Có thể nói, đây là một sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ trong hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Ngoài ra, Quốc hội đã kịp thời ban hành các nghị quyết như nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, TP Cần Thơ và các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa; TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk); nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô…, và hiện nay, UBTVQH cũng đang tích cực đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV) và nghiên cứu sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Thủ đô.

Trong thời gian tới, Quốc hội, UBTVQH sẽ tiếp tục tổ chức bài bản, chu đáo, hiệu quả các kỳ họp Quốc hội; đồng thời, nghiên cứu tiếp tục tăng hợp lý số lượng kỳ họp để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trong việc xem xét, quyết định kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống và quản lý nhà nước.

ĐB PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:

Cần tiếp tục giám sát những vấn đề “nóng”

ĐB Phạm Văn Hòa

ĐB Phạm Văn Hòa

Công tác phòng chống tham nhũng thời gian vừa qua đã cho thấy, việc xử lý tham nhũng là không có “vùng cấm”. Tôi hy vọng, Quốc hội sẽ tổ chức thường xuyên, liên tục giám sát những chuyên đề tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, tôi thấy, những vấn đề nào cử tri, nhân dân quan tâm nhiều mà Quốc hội tham gia giám sát thì nhận được sự ủng hộ rất cao. Thông qua giám sát, Quốc hội có thể lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, đề xuất của người dân để có những giám sát đối với các cơ quan công quyền trong việc thực thi pháp luật.

ĐB VŨ TRỌNG KIM (Nam Định):

Việc lấy phiếu tín nhiệm cần được chuẩn bị kỹ

ĐB Vũ Trọng Kim

ĐB Vũ Trọng Kim

Việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là việc có ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với vấn đề đánh giá và bố trí, sử dụng cán bộ. Do đó, lá phiếu của ĐB phải góp phần đánh giá chính xác mức độ tín nhiệm của Quốc hội, cử tri và nhân dân. Có đánh giá đúng mức độ hoàn thành nhiệm vụ thì mới có thể giúp cho cán bộ tiếp tục phát huy vai trò của mình, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.

Do đó, cần phải có những bước chuẩn bị chặt chẽ. Bản tự kiểm điểm, ưu khuyết điểm trong quá trình làm việc, tu dưỡng của người được lấy phiếu tín nhiệm phải được cung cấp sớm cho các ĐB ít nhất 10-15 ngày. ĐB cũng phải có quá trình tìm hiểu người cán bộ đó một cách công phu, cụ thể và rõ ràng, không chạy theo dư luận, thiếu căn cứ xác đáng.

GS NGUYỄN MINH THUYẾT, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

Cần trao quyền hơn cho đại biểu chuyên trách

GS Nguyễn Minh Thuyết

GS Nguyễn Minh Thuyết

Hiện nay, có nhiều ĐB Quốc hội phát biểu sâu sắc, thẳng thắn. Đó là điều rất tốt. Quốc hội cần những ĐB nghiên cứu kỹ, hiểu rất sâu vấn đề và có ý kiến mang tính xây dựng cao.

Nhưng, bên cạnh đó, khóa Quốc hội này cũng như nhiều khóa trước, vẫn còn nhiều ĐB phát biểu trên nghị trường chưa có sự nghiên cứu kỹ, chiều theo dư luận.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, tôi cho rằng phải bắt đầu từ việc lựa chọn ĐB. Chúng ta bảo đảm cơ cấu nhưng cái chính là phải tìm ra được những người thực sự có tâm huyết hoạt động dân cử. Một số ĐB bầu theo cơ cấu nhưng họ bận chuyên môn, vì vị trí công việc mà “không dám” phát biểu cũng là điều lưu ý khi lựa chọn ĐB Quốc hội. Mặt khác, cần nghiên cứu lại về cách tổ chức các đơn vị bầu cử, làm sao để ĐB phải gắn với cử tri hơn; cần chia nhỏ các đơn vị bầu cử hơn nữa, bảo đảm ĐB phải tiếp xúc thực sự với cử tri chứ không hình thức, thực sự nói lên tiếng nói của cử tri, được cử tri theo dõi, chịu trách nhiệm trước cử tri của mình; gắn 1 ĐB với 1 đơn vị bầu cử, thay vì 1 đơn vị bầu cử lớn với 2-3 ĐB cả Trung ương, tỉnh.

Về ĐB chuyên trách, tôi cho rằng, cần phải có quy định rõ trong luật. Quốc hội đã cho khôi phục lại hội nghị ĐB Quốc hội chuyên trách, nhưng hiện nay, hội nghị ĐB Quốc hội chuyên trách không có quyền sửa các dự thảo luật mà Quốc hội đang bàn thảo, tức là chỉ tiếp tục góp ý, vậy liệu có đúng với mong muốn?

TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Hiểu đúng, làm đúng phương châm chuẩn bị “từ sớm, từ xa”

TS Nguyễn Đức Kiên

TS Nguyễn Đức Kiên

Nếu thực hiện đúng phương châm làm việc “từ sớm, từ xa” mà Chủ tịch Quốc hội khóa XV thường nhấn mạnh thì sẽ đem lại những kết quả rất tốt. ĐB Quốc hội là người sát dân, đại diện cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân, cho nên cần sớm nắm bắt được những vấn đề bức xúc, vướng mắc nảy sinh trong cuộc sống, từ đó “đặt hàng” cho các cơ quan chức năng.

Đóng góp của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội “từ sớm, từ xa” không chỉ là thẩm tra khi dự thảo đã được trình lên mà là phát hiện ra những nhu cầu bức xúc của xã hội để ra đề bài chi tiết nhất có thể, yêu cầu đáp ứng được những mục tiêu cụ thể nhất có thể và giám sát để đảm bảo các mục tiêu đó được thực hiện trên thực tế.

Tin cùng chuyên mục