Chiều 6-11, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ TT-TT, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) đã chia sẻ về vấn đề xử lý SIM rác và việc phát triển SIM ở các đại lý thời gian qua. Theo đó, mỗi tháng có khoảng 1,5 triệu SIM được các nhà mạng phát hành ra thị trường; khoảng 80% SIM được bán ra từ các đại lý, 20% còn lại được bán từ các kênh chuỗi như các hệ thống cửa hàng điện máy và qua kênh phân phối của chính các nhà mạng. Tuy nhiên, tình trạng SIM rác đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Trước thực trạng trên, từ 10-9, các nhà mạng cam kết với Bộ TT-TT sẽ dừng các đại lý phát triển SIM. Thay vì sử dụng kênh đại lý, các nhà mạng sẽ tập trung vào việc phát triển kênh phân phối của doanh nghiệp mình và những kênh chuỗi có uy tín.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, các nhà mạng đã tiến hành rà soát và yêu cầu đại lý dừng phát triển thuê bao. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, số thuê bao phát triển mới trung bình của tháng 9 đã giảm 35% so với trung bình tháng 8, từ 1,5 triệu thuê bao xuống còn khoảng gần 1 triệu thuê bao/tháng. “Tuy nhiên qua giám sát, vẫn còn tình trạng người dân mua được SIM từ các đại lý ủy quyền. Chúng tôi tiếp tục kiểm tra, đánh giá, thực hiện nghiêm túc việc phát triển thuê bao mới” ông Nhã cho biết.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã trao đổi với phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ TT-TT |
Về vấn đề việc xử lý các cuộc gọi rác, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, hơn 1 năm nay, Cục Viễn thông đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn cuộc gọi rác, từ chuẩn hóa thông tin thuê bao tới việc yêu cầu nhà mạng phát triển thuê bao có thông tin trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, rà soát thuê bao sở hữu nhiều SIM, xây dựng brandname để định danh cuộc gọi...
Lý giải tình trạng cuộc gọi rác vẫn còn tồn tại, theo ông Nhã, quá trình giải quyết phải được thực hiện từng bước. Bộ TT-TT cùng các doanh nghiệp đã liên tục có các giải pháp tháo gỡ, khi xây dựng các giải pháp đó cũng cần phải có các hành lang pháp lý song hành. “Để giải quyết triệt để tình trạng cuộc gọi rác, cần liên tục có các giải pháp mới, áp dụng công nghệ, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi, chúng tôi cũng có đề xuất các chính sách, quy định chặt chẽ hơn, đảm bảo việc giảm thiểu tình trạng các cuộc gọi không mong muốn”, ông Nhã cho biết.
Quang cảnh cuộc họp báo |
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc vì sao không cho đăng ký SIM online, trong khi việc đăng ký này tiện lợi cho người dùng, theo ông Nguyễn Phong Nhã, hiện chưa có quy định về việc đăng ký SIM dưới hình thức trực tuyến (online). Do vậy, việc các nhà mạng không triển khai đăng ký SIM trực tuyến là phù hợp với quy định hiện hành. Đối với việc phát triển thuê bao bằng hình thức trực tuyến, Cục Viễn thông đang nghiên cứu đề xuất của các doanh nghiệp viễn thông di động, đồng thời xây dựng phương án, chính sách để có thể đưa vào các hướng dẫn của văn bản quy phạm pháp luật sau khi Luật Viễn thông sửa đổi ban hành.
Về lộ trình tắt sóng 2G ở Việt Nam, ông Nguyễn Phong Nhã thông tin, Bộ TT-TT đã có công văn thông báo về quy hoạch băng tần 900MHz, 1.800MHz và 2.100MHz. Trong đó, có đề cập tới việc duy trì mạng 2G, 3G, 4G trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, yêu cầu các nhà mạng tổ chức duy trì chất lượng mạng lưới, phát triển vùng phủ sóng 4G thay thế dần vùng phủ sóng 2G, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để người dân có cơ hội chuyển sang thuê bao 4G.
“Bộ TT-TT đã yêu cầu doanh nghiệp xây dựng đề án cụ thể về việc chuyển đổi thuê bao 2G sang 4G. Một số doanh nghiệp đã xây dựng đề án cụ thể và gửi lên bộ, một số đơn vị khác đang tiếp tục xây dựng. Bộ sẽ tổng hợp và xây dựng kế hoạch chi tiết để đảm bảo việc tắt sóng 2G có lộ trình, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng nhưng vẫn phát triển được các công nghệ mới”, ông Nhã cho hay.