Đặt lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu
Tại TPHCM, chương trình bình ổn thị trường bắt đầu được triển khai từ Tết Nhâm Ngọ 2002, với số vốn bình ổn 45 tỷ đồng, mục tiêu dự trữ các mặt hàng thiết yếu, cung ứng cho thị trường thành phố, hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa, biến động giá trong những ngày giáp tết, cận Tết Nguyên đán. Sau 20 năm thực hiện, chương trình đã tạo sức lan tỏa khi có 69 doanh nghiệp tham gia, trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao như Vissan, Ba Huân, Saigon Co.op, Satra…
Gần đây nhất vào tháng cao điểm Tết Nguyên đán 2023, doanh nghiệp bình ổn thị trường TPHCM đã dành 12.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa, trong đó có 4.200 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, nhờ sự chủ động tham gia của doanh nghiệp mà suốt mùa tết vừa qua giá cả được ổn định, thậm chí sau tết dù nguồn cung chưa được đầy đủ song các doanh nghiệp, nhà bán lẻ vẫn cam kết giữ giá hàng hóa.
Bà Ngô Hồng Nhung (50 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) chia sẻ, hiện các mặt hàng bình ổn rất đa dạng, phủ khắp các ngành hàng thiết yếu, chưa kể việc mua hàng bình ổn thị trường rất thuận lợi dễ dàng nên gia đình bà đã giảm đáng kể tiền chi tiêu khi mua sắm. “Nhờ có chương trình hàng bình ổn, thị trường thành phố đã không còn tình trạng tăng giá đột biến, nhất là vào các dịp lễ, tết”, bà Nhung chia sẻ.
Là đơn vị bán lẻ liên tục tham gia bình ổn thị trường suốt 16 năm qua, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết: “Sau 16 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, tổng lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op hiện đạt khoảng 10.000 tấn/tháng, tăng gấp 8 lần so với thời gian đầu tham gia chương trình; tỷ lệ hàng Việt tăng từ 80% lên hơn 90% trong cơ cấu hàng hóa, riêng các mặt hàng bình ổn luôn đảm bảo 100% là hàng Việt. Đáng chú ý, số lượng điểm bán bình ổn cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh, thành khác, tăng từ 17 điểm bán lên hơn 600 điểm bán trên cả nước. Riêng tại TPHCM, Saigon Co.op có 422 điểm bán”.
Để làm được như vậy, nhà bán lẻ này luôn đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu. Và hàng năm, Saigon Co.op đều chủ động lên kế hoạch tham gia chương trình bình ổn suốt cả năm với 9 nhóm hàng chính (gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản) và các mặt hàng phục vụ cho mùa tựu trường, kinh doanh các mặt hàng của nhà cung cấp tham gia chương trình bình ổn thị trường. Đặc biệt, thông qua những chương trình thiết thực như ký kết hợp tác phát triển giữa TPHCM và các tỉnh, thành, các hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa”… Saigon Co.op thường xuyên thực hiện các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển nguồn hàng, qua đó đóng góp tích cực cho công tác bình ổn thị trường.
Tiếp tục bình ổn thị trường
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, TPHCM sẽ triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2023-2024, tập trung vào các mặt hàng như thực phẩm, dược phẩm, đồ dùng học tập.
Theo Sở Công thương TPHCM, thành phố dự kiến nhóm mặt hàng bình ổn thị trường trong năm nay gồm: các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như gạo, lương thực khô, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản; các mặt hàng phục vụ học tập, mặt hàng dược phẩm thiết yếu…
Đối với nguồn cung hàng bình ổn thị trường sẽ do doanh nghiệp chủ động huy động thông qua hoạt động sản xuất, liên kết sản xuất, thu mua, nhập khẩu và hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác... Sở Công thương TPHCM sẽ làm đầu mối phối hợp sở, ngành, địa phương xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ toàn diện, xuyên suốt quá trình huy động nguồn cung hàng bình ổn thị trường của doanh nghiệp cung ứng.
Liên quan đến giá bán, theo Sở Công thương TPHCM, giá bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (trừ rau củ quả, sữa), các mặt hàng phục vụ học tập, mặt hàng thuốc thiết yếu: thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường cùng thời điểm với sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng.
Tuy nhiên, để công tác bình ổn thị trường trong giai đoạn mới hiệu quả hơn, ông Nguyễn Anh Đức đề xuất lãnh đạo TPHCM cần nhanh chóng xây dựng khung pháp lý phù hợp với các cam kết của thị trường quốc tế và nội địa cho chương trình; có những hỗ trợ cần thiết và phù hợp với kinh tế thị trường, luật cạnh tranh dành cho các doanh nghiệp tham gia chương trình như hỗ trợ về thông tin, hỗ trợ gián tiếp thông qua các chính sách với các lĩnh vực liên quan, giới thiệu nguồn tài chính, tín chấp; xác định rõ các mặt hàng bình ổn phù hợp với những thay đổi trong thời kỳ mới, phát triển kênh bình ổn (cả online và offline).
Bên cạnh đó, ông Đức cho rằng, cần gắn công tác bình ổn với việc phát triển tổng thể chuỗi giá trị hàng hóa, chuỗi cung ứng, các chương trình, cuộc vận động… Đồng thời, tăng cường kiểm soát nguồn hàng trôi nổi trên thị trường, đảm bảo giám sát nghiêm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Đến nay, trên địa bàn TPHCM có 10.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường, gồm 4.209 điểm bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; 881 điểm bán các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; 1.711 điểm bán sữa và 4.182 điểm bán các mặt hàng dược phẩm.