Sự đóng góp cho cả nước ngày càng lớn
42 mùa xuân kể từ khi chính thức được mang tên Bác Hồ kính yêu, TPHCM đã không ngừng lớn mạnh, luôn duy trì tăng trưởng ở mức cao.
Nếu giai đoạn trước đổi mới 1976 - 1985, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố chỉ tăng bình quân 2,7%/năm thì giai đoạn 1991 - 2010, TPHCM là một trong rất ít địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hai con số (giai đoạn 1991 - 1995 tăng 12,6%; giai đoạn 1996 - 2000 tăng 10,1%; giai đoạn 2001 - 2005 tăng 11%; giai đoạn 2006 - 2010 tăng 11,4%).
Từ năm 2011 đến nay, dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song TPHCM cũng đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%/năm, gấp 1,66 lần mức bình quân chung của cả nước (5,8%). Kể từ nghị quyết đầu tiên về phát triển TPHCM của Bộ Chính trị vào tháng 9-1982, đến nay GDP bình quân đầu người không ngừng cải thiện và dự kiến đạt khoảng 9.800 USD vào năm 2020.
Cùng với đà tăng trưởng, quy mô kinh tế, tiềm lực và sự đóng góp của TPHCM cho cả nước ngày càng lớn. Đến nay, TPHCM đóng góp khoảng 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu, 27,8% tổng thu ngân sách quốc gia năm 2018.
Năm 2018 là năm có nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế TPHCM tiếp tục duy trì tăng trưởng khá, giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong đó, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) đạt hơn 1,33 triệu tỷ đồng, ước tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 8,25%).
Với mức tăng này so với quy mô kinh tế cả nước, kinh tế TPHCM đóng góp 24,16%, cao hơn năm 2016 và năm 2017 (23,4%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35% GRDP (năm 2017 là 34,5%, vượt chỉ tiêu bình quân toàn nhiệm kỳ 2016 - 2020 là 30% GRDP). Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,39 tỷ USD, cao nhất nước.
Không chỉ dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, TPHCM còn là nơi đổi mới, đột phá về thể chế và tiên phong trong rất nhiều mô hình phát triển, thể hiện rõ nét sự năng động, sáng tạo.
Những mô hình phát triển đầy trí tuệ này không chỉ là bệ phóng cho những bước đột phá mạnh mẽ của TPHCM trong hội nhập kinh tế quốc tế mà còn tạo động lực cho quá trình đô thị hóa của các khu vực lân cận.
Kiên trì giải pháp phát triển vùng đô thị TPHCM
Bên cạnh những kết quả đạt được, TPHCM đang phải đối mặt với nhiều lực cản. Đó là sự quá tải về cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông lạc hậu, áp lực quá lớn về bệnh viện, trường học và nhà ở do dân số gia tăng quá nhanh (cứ 5,5 năm, dân số TPHCM tăng thêm 1 triệu người).
TPHCM cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nguy cơ ngập nước nghiêm trọng đã gây trở ngại cho sự phát triển nhanh, bền vững, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, các cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động dù được quan tâm nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn, nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến nhưng chưa đồng bộ và chủ động, chưa đạt hiệu quả cao, chưa tạo được sự hài lòng thực sự cho doanh nghiệp và nhân dân TPHCM.
Tại kỳ họp thứ 12, HĐND TPHCM khóa IX, UBND TPHCM xác định, trong năm 2019 tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước qua phân cấp, ủy quyền 85 đầu việc cho các sở, ngành, UBND các quận - huyện trên các lĩnh vực đô thị, môi trường; kinh tế, ngân sách, dự án…
Đồng thời, tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh; gắn việc xây dựng đô thị thông minh với phát triển công nghiệp điện tử - viễn thông theo xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, phấn đấu trở thành địa phương đầu tiên của cả nước triển khai mạng viễn thông 5G...
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, để phát triển bền vững, bên cạnh những vấn đề được UBND TP đặt ra thì thành phố cần triển khai song song nhiều việc.
Thứ nhất, TPHCM gắn công nghệ cao vào chuỗi phân khúc công nghệ cao, thông qua việc phát huy tốt nhất các khu công nghệ cao. Phải thực sự chuyển nó thành khu công nghệ cao chứ không phải là nơi sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao. Hai vấn đề này khác nhau. Không cần phải sản xuất ra một sản phẩm công nghệ cao cụ thể mà nên là nơi tham gia sản xuất các sản phẩm từ TPHCM.
Đây là cái quan trọng nhất. Do vậy, đến thời điểm này, TPHCM không nên là nơi tiếp tục mở rộng các KCN mới mà cần là nơi tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp của người dân cả nước và cả quốc tế. Việc tạo ra cái mới từ khởi nghiệp không cần nhiều đất, không cần lấy đất lúa để mở khu công nghiệp.
Thứ hai, quyết tâm không để TPHCM phát triển hướng tâm. Các địa điểm đã quy hoạch như Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Tây Bắc phải làm cho bằng được. Muốn làm được thì điều đầu tiên là phải kết nối giao thông.
Để giải bài toán kinh tế đô thị TPHCM phải kiên trì giải pháp phát triển vùng đô thị TPHCM. Vùng đô thị này đã được quy hoạch từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa làm. Nếu chúng ta làm một con đường nối quận 2 sang Cát Lái đến Nhơn Trạch (Đồng Nai) thì đương nhiên khu vực này đã trở thành một quận vệ tinh của TPHCM, giảm áp lực nhiều mặt cho TPHCM.
Nói cách khác, để phát triển bền vững, TPHCM không thể đứng riêng biệt mà cần có sự gắn kết trong vùng đô thị, bao gồm nhiều tỉnh, thành khác, trong đó TPHCM là hạt nhân kết nối, là động lực của phát triển kinh tế vùng và cả nước.
Thứ ba, tổ chức lại mô hình quản lý theo chính quyền đô thị. Hiện chúng ta đã có Hiến pháp 2013, có Nghị quyết 54 nên tiếp tục làm quyết liệt. Trong vấn đề thương mại, chú trọng phát triển thương mại điện tử, song song với truyền thống. Để làm được việc này, cần thay đổi tư duy quản lý. Chúng ta cần quản lý theo một hệ quy chiếu mới, thông qua công nghệ.
Theo TS Trần Du Lịch, nếu kiên trì theo đuổi các mục tiêu nêu trên, chắc chắn TPHCM còn nhiều dư địa để phát triển. Bởi lẽ, trong vai trò là trung tâm giao lưu kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, không nơi nào thay thế được TPHCM. Chính điều này đã tạo nên sự năng động tự thân cho TPHCM để thúc đẩy phát triển bền vững.