Chính phủ tiếp tục yêu cầu triển khai các giải pháp thiết thực để kéo giảm, kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) trong thời gian tới.
Số xe chở quá tải trọng tăng mạnh
Báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, trong 9 tháng năm 2017, toàn quốc xảy ra 14.346 vụ TNGT, làm 6.113 người chết, 11.785 người bị thương. So với cùng kỳ 2016, TNGT giảm khoảng 5% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Có 43 tỉnh thành trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm và 15 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2016. Trong 9 tháng 2017, lực lượng công an đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT theo các chuyên đề; đã kiểm tra, xử lý gần 3,5 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền trên 2.000 tỷ đồng, tạm giữ 535.934 phương tiện…
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ giải pháp có tính căn cơ cả trước mắt và lâu dài với mong muốn kiềm chế và giảm thiểu TNGT. Các bộ, ngành đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cấp bách để kiểm soát trật tự ATGT. Tuy nhiên, tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp. TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, gây bức xúc trong xã hội. Đáng chú ý, các vụ TNGT xảy ra đều liên quan đến xe chở khách, đến “điểm đen”, đường sắt, nơi giao cắt nhau giữa đường bộ và đường sắt… Bên cạnh đó, tình trạng xe dù bến cóc, xe chở quá tải trọng có xu hướng tăng mạnh và có biểu hiện coi thường pháp luật, gây mất trật tự ATGT, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe chở khách theo tuyến cố định, gây ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, nhất là tại Hà Nội và TPHCM.
Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Cà Mau, Cao Bằng, Quảng Ninh giảm trên 35% số người chết do TNGT; Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng phương án phân bổ kinh phí xử phạt về trật tự ATGT cho ngân sách địa phương phù hợp hơn với thực tiễn nhiệm vụ. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng lưu ý 15 tỉnh thành có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2016. Trong đó, đề nghị các Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban ATGT 8 địa phương có số người chết tăng trên 10% (Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Trị, Cần Thơ, Hải Phòng, Tuyên Quang, Hậu Giang, Lai Châu) và 2 tỉnh có số người chết tăng trên 40% (Hậu Giang, Lai Châu) quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn.
Tiếp tục xử lý các “điểm đen”
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, một số nơi còn tình trạng cấp ủy, người đứng đầu chính quyền địa phương, đơn vị chức năng chưa sâu sát, thiếu quyết liệt trong công tác bảo đảm ATGT, để tồn tại hiện tượng buông lỏng trong quản lý nhà nước và thực thi pháp luật, dung túng vi phạm, tiêu cực, làm trái quy định. Đặc biệt là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý xe ô tô chở khách theo hợp đồng, bến bãi đường bộ, bến thủy nội địa không phép... Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, một số địa phương cấp phép khai thác cát sỏi trên sông vẫn buông lỏng quản lý, để diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép, ngoài phạm vi được cấp, vi phạm luồng đường thủy nội địa và khu vực gần bờ, làm biến đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, gây mất ATGT, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Một số địa phương tái diễn tình trạng ô tô cơi nới thùng chở hàng quá tải, đặc biệt là tại các địa bàn có mỏ vật liệu, nhà máy xi măng và tại các khu vực có cảng, khu công nghiệp. Đối với Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn, các giải pháp quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân gắn với phát triển vận tải hành khách công cộng còn triển khai chậm, chưa có giải pháp căn cơ và duy trì hiệu quả lập lại trật tự đô thị.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa với mục tiêu cao nhất là tiếp tục kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí từ 5%-10%, cũng như giảm số vụ ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn. Ủy ban ATGT quốc gia cần sớm hoàn thiện quy chế về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bảo đảm ATGT. Bộ GTVT tiếp tục hoàn thành kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục rà soát, xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn về mất ATGT trên hệ thống quốc lộ; phối hợp với UBND các tỉnh thành xây dựng đường gom, dứt điểm xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt. Bộ GTVT cũng sớm khắc phục triệt để những ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự ATGT của công tác quản lý, vận hành, thu phí và tổ chức giao thông của các dự án BOT. Cùng với đó, kiểm tra công tác quản lý ATGT của các đơn vị kinh doanh vận tải và xử lý nghiêm vi phạm, tước giấy phép những đơn vị vi phạm gây TNGT nghiêm trọng; bổ sung quy định, nâng tiêu chuẩn được nâng hạng giấy phép và siết chặt quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép cho lái xe khách, xe tải, xe chở container. Chủ tịch UBND các tỉnh thành cần tiếp tục chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự ATGT; duy trì kiểm soát tải trọng phương tiện, sớm chấm dứt xe quá tải hoạt động.
Riêng đối với Hà Nội, TPHCM và các đô thị trực thuộc Trung ương, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai kế hoạch lập lại trật tự giao thông đô thị; có giải pháp phù hợp, ổn định để quản lý vỉa hè, lòng đường một cách hiệu quả, ưu tiên cho người đi bộ và phương tiện công cộng. Tiếp tục nâng cao chất lượng vận tải công cộng gắn với quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; phân luồng, điều tiết giao thông và hướng dẫn tham gia giao thông qua các điểm hay ùn tắc giao thông, các đoạn tuyến có công trình xây dựng chiếm dụng lòng, lề đường, bị ngập nước do mưa, triều cường...
Về quản lý xe Uber và Grab đang có nhiều tranh cãi hiện nay, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, tháng 11 tới, Bộ GTVT sẽ làm việc với một số tỉnh thành cũng như tiến hành sơ kết 2 năm thí điểm đối với loại hình này để có đánh giá, đề ra giải pháp quản lý phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương.