Tiếp tục hoàn thiện phương án thi

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục khắc phục những bất cập của kỳ thi để ổn định phương án thi cử theo hướng bảo đảm khách quan, trung thực, tạo thuận lợi cho thí sinh.
 
Thí sinh tại Hội đồng thi Trường Nguyễn Thị Minh Khai trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017
Thí sinh tại Hội đồng thi Trường Nguyễn Thị Minh Khai trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã khép lại với những đánh giá của Bộ GD-ĐT cho rằng, thành công, an toàn, nghiêm túc. Nhìn một cách tổng thể, kỳ thi năm nay có rất nhiều ưu điểm, được xã hội đánh giá cao. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 được trực tuyến tới 63 tỉnh thành ngày 3-7, nhiều địa phương cũng đã đánh giá cao những ưu điểm của kỳ thi năm nay.
Theo lãnh đạo một số địa phương phát biểu tại phiên họp Chính phủ, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được giao cho các Sở GD-ĐT chủ trì, thí sinh được thi ngay trên địa bàn đã giảm phần lớn áp lực cho học sinh và phụ huynh cũng như xã hội. Các địa phương đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành giáo dục tiếp tục duy trì cách tổ chức cho các năm tới trên cơ sở hoàn thiện một số mặt mang tính kỹ thuật. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá, kỳ thi THPT quốc gia 2017 tổ chức tốt, nhẹ nhàng, thuận lợi cho mọi gia đình, đồng thời đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục khắc phục những bất cập của kỳ thi để ổn định phương án thi cử theo hướng bảo đảm khách quan, trung thực, tạo thuận lợi cho thí sinh. Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để việc xét tuyển đại học tới đây diễn ra thuận lợi, suôn sẻ.
Như vậy có thể thấy, không chỉ thí sinh, phụ huynh, xã hội mà lãnh đạo các địa phương, Chính phủ cũng đã đánh giá cao điểm mới nổi bật của kỳ thi năm nay. Những năm trước đây để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH-CĐ thí sinh phải đến các TP lớn để dự thi, nay lần đầu tiên thí sinh có thể dự thi ngay tại địa phương. Từ 4 đợt thi trước đây, nay chỉ còn 1 đợt thi duy nhất. Chưa bao giờ việc thi cử lại nhẹ nhàng như năm 2017. Vì thi tại chỗ nên không còn cảnh thí sinh, phụ huynh các tỉnh phải vạ vật ở TPHCM, Hà Nội hay các đô thị lớn. Cũng không còn cảnh vào kỳ thi là cả xã hội phải xáo trộn vì giao thông ách tắc, bến xe bến tàu đông đúc; các trường đại học thì quá tải cả về phòng thi, chỗ ở. Không còn cảnh thí sinh, phụ huynh ngoại tỉnh phải mất cả 7 - 10 ngày vất vả.  
Xã hội công nhận việc thi cử nhẹ nhàng, giảm áp lực và tốn kém. Nhưng xã hội cũng chưa hoàn toàn yên tâm với tính khách quan, trung thực của kỳ thi. Con số cả kỳ thi chỉ có 72 thí sinh vi phạm quy chế thi (năm 2016 là 328 thí sinh) chưa thể nói lên điều gì. Có hay không nguyên nhân từ việc buông lỏng trong công tác coi thi tại các địa phương?
PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT cho rằng, kỳ thi đã huy động gần 40.000 cán bộ đến từ các ĐH-CĐ tham gia coi thi cùng với giáo viên phổ thông của địa phương; giám sát phòng thi với số lượng tương đương giáo viên địa phương. Giáo viên không coi thi tại điểm thi có học sinh lớp 12 mà mình đang dạy. Ông Trinh nói rằng, gần 90.000 cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi bằng cả trách nhiệm, lòng tự trọng của mình. Vì vậy, xã hội cần có niềm tin vào đội ngũ này. Giáo dục phải được xây dựng trên nền tảng niềm tin, các giải pháp quản lý sẽ tạo cơ sở để niềm tin ấy được đặt đúng chỗ và vững bền. “Việc chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi là do tác động của phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với hình thức trắc nghiệm, các câu hỏi trong đề thi phủ kín chương trình lớp 12, rất khó để thí sinh có thể học tủ, chuẩn bị “phao thi” hay các hình thức gian lận khác. Mặt khác, trong môn thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh có mã đề thi riêng của mình, thời gian làm bài thi trắc nghiệm lại ngắn nên cũng rất khó để thí sinh có thể trao đổi, quay cóp, nhìn bài, hay các hình thức gian lận khác”, ông Mai Văn Trinh nhận định.
Kỳ thi đã diễn ra nhẹ nhàng, an toàn nhưng có thực sự nghiêm túc, khách quan không thì còn phải chờ đến kết quả sẽ được công bố trong 1-2 ngày tới. Bộ GD-ĐT cần tiếp tục tăng cường các giải pháp để hạn chế hơn nữa tình trạng vi phạm quy chế, gian lận thi cử bằng việc sử dụng công nghệ cao. Sự phối hợp của các trường đại học với các sở GD-ĐT cần được triển khai nhuần nhuyễn hơn nữa. Tiếp tục hoàn thiện các hệ thống CNTT để không ngừng nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong tổ chức thi và tuyển sinh. Đặc biệt, công tác đề thi vẫn phải tiếp tục được quan tâm cho các kỳ thi tiếp theo… Đó là những vấn đề đặt ra cho ngành giáo dục để hoàn thiện phương án thi năm tới .

Tin cùng chuyên mục