Tiếp tục hỗ trợ người dân vùng bão, có ngân hàng giảm 50% lãi phải trả cho khách hàng

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở khoảng 100.000 tỷ đồng. Hiện ngày càng nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã chủ động thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại thông qua việc triển khai các gói tín dụng hỗ trợ cho vay mới, giảm lãi suất, miễn giảm lãi vay đối với cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới... bằng khả năng tài chính của mình. 

Tiếp tục hỗ trợ người dân vùng bão, có ngân hàng giảm 50% lãi phải trả cho khách hàng

Trong đó, có NHTM giảm 50% lãi cho khách hàng, thậm chí hỗ trợ 100% lãi phải trả trong 4 tháng cuối năm.

Bà Ngô Thu Hà, Tổng Giám đốc SHB cho biết, doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay mới... Nhằm hỗ trợ khách hàng, SHB sẽ giảm bình quân 50% lãi suất phải trả từ tháng 9 đến tháng 12-2024 cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Đồng thời, ngân hàng cấp gói tín dụng hỗ trợ khách hàng tái thiết, hồi phục sản xuất kinh doanh sau bão với lãi suất chỉ 4,5%/năm. Song song với những hỗ trợ khẩn cấp trong và sau bão lũ, SHB cũng sẽ tiếp sẽ tài trợ xây dựng lại nhà ở bị sập đổ, khu tái định cư cho người dân, tái thiết hạ tầng dân sinh tại các vùng bị thiệt hại, giúp người dân ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Theo bà Ngô Thu Hà, “đặc biệt với những khách hàng chịu thiệt hại nặng, khó khăn trong việc khôi phục sản xuất tùy theo mức độ, SHB có thể hỗ trợ 100% lãi suất phải trả trong 4 tháng cuối năm. Chúng tôi sẽ chủ động rà soát và thông báo cho khách hàng về mức giảm chứ không đợi khách hàng phải đăng ký trên mức độ thiệt hại với ngân hàng".

"Tính đến nay, SHB có 251 khách hàng bị ảnh hưởng tại một số tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang... Mức lãi suất hỗ trợ chúng tôi ước tính từ nay đến hết tháng 12-2024 là khoảng 40 tỷ đồng, chưa tính khoản hỗ trợ của gói vay 4,5%/năm. Chúng tôi sẽ còn tiếp tục rà soát để có những hỗ trợ tiếp theo cho khách hàng”, bà Ngô Thu Hà cho biết.

Tương tự, Sacombank cũng cho biết, từ nay đến cuối năm 2024, ngân hàng này giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay trên dư nợ hiện hữu hoặc dư nợ mới nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bị thiệt hại do bão lũ vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Ngân hàng đã nhanh chóng triển khai thông tin đến các chi nhánh, phòng giao dịch tại các khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên để chủ động rà soát, đánh giá, báo cáo mức độ thiệt hại và đề xuất các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng đang vay vốn”, đại diện Sacombank cho biết.

MSB cũng vừa thông báo từ nay đến 31-12-2024, ngân hàng này triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp với quy mô gói tín dụng 1.000 tỷ đồng, giảm 1% lãi suất vay bằng VND và 0,5% lãi suất vay USD dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh mới đối với khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bão nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn, tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước đó, MSB cũng đã kịp thời giảm 1% lãi suất vay đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bão lũ.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, ngành ngân hàng luôn là một trong những ngành tiên phong trong xử lý và phản ứng chính sách kịp thời đúng và trúng nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Để chung tay giúp người dân, doanh nghiệp khắc phục ảnh hưởng của bão số 3, ngành ngân hàng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, người dân duy trì, phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngành ngân hàng đã thống kê kịp thời khách hàng và dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi bão lụt, phân loại đánh giá và có biện pháp xử lý. Đây là chỉ đạo kịp thời của NHNN và sự chủ động linh hoạt từ phía các TCTD cho vay. Vì việc đánh giá thiệt hại khách hàng có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở cho những biện pháp xử lý phù hợp.

Hiện, ngành ngân hàng đang thực hiện chính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; giảm lãi suất và tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp… đã trực tiếp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó góp phần quan trọng vào sự phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, mỗi khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan: khủng hoảng, thiên tai và dịch bệnh.

“Trong đó, việc chủ động giảm lãi suất, điều chỉnh giảm lãi suất gắn với những gói tín dụng ưu đãi và giải ngân gói tín dụng của các TCTD nhằm chia sẻ, hỗ trợ khách hàng, cũng là giải pháp và là động lực để cùng khách hàng, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng”, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.

Tin cùng chuyên mục