Vừa qua, thị trường bảo hiểm có những phát sinh, thông qua những phản ánh từ khách hàng, báo chí xã hội. Bộ Tài chính cũng đã công bố kết quả thanh tra với 4 doanh nghiệp bảo hiểm có liên kết với các ngân hàng. Hiện Bộ Tài chính đang triển khai theo quy trình của thanh tra, sẽ xử lý nghiêm các sai phạm của các công ty này, công khai với dư luận.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính cũng đã có kế hoạch thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm, có cả doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, trong đó tập trung nội dung thanh tra vào hoạt động liên kết với các ngân hàng, tổ chức tín dụng của các doanh nghiệp bảo hiểm. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với ngành thanh tra kiểm tra, để qua đó bảo đảm thị trường bảo hiểm hoạt động lành mạnh, minh bạch, đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: QUANG PHÚC |
Về tiến độ giải ngân đầu tư công, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, dự kiến đến 30-6, số liệu giải ngân đạt gần 216.000 tỷ đồng. Đây là một con số khá lớn về tỷ lệ, đạt khoảng 30,49% so với kế hoạch Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (27,75%). Đặc biệt, số tiền tuyệt đối rất lớn khoảng 65.000 tỷ đồng so với 2022.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương. Ảnh: QUANG PHÚC |
Theo Thứ trưởng, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là rất lớn, với 711.000 tỷ đồng, đây là nhiệm vụ nặng nề trong 6 tháng cuối năm, đòi hỏi phải quyết liệt hơn trong 6 tháng cuối năm nhằm bảo đảm giải ngân đạt 95%. Hiện nay nhiều dự án lớn, dự án trọng điểm đã khởi công, do đó Thứ trưởng Trần Quốc Phương tin tưởng kế hoạch giải ngân năm nay sẽ đạt kết quả khá hơn.
Về giải pháp trọng tâm để bảo đảm tăng trưởng trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết: Từ nay đến cuối năm, tình hình tiếp tục khó khăn nhiều hơn thuận lợi, do đó nhiệm vụ đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 6,5% là thách thức rất lớn. Bộ KH-ĐT đưa ra kịch bản đạt 6% thì cũng đã nhiều thách thức, đòi hỏi quý 3, 4 phải tăng trưởng cao.
Cụ thể, Bộ KH-ĐT cập nhật hai kịch bản trong 6 tháng cuối năm 2023 khi Việt Nam phấn đấu GDP cả năm tăng 6-6,5%.
Kịch bản 1, GDP cả năm dự kiến tăng 6% thì tăng trưởng quý 3 phải đạt 6,8%, quý 4 là 9%. Với kịch bản này, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%.
Kịch bản 2, GDP năm 2023 tăng 6,5%. Tức là, hai quý cuối năm phải đạt tăng trưởng 7,4% và 10,3%. Tính chung, tăng trưởng nửa cuối năm phải đạt 8,9%.
Trên cơ sở chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Bộ KH-ĐT đã đề xuất 10 nhóm giải pháp, dự thảo nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các giải pháp điều hành trong 6 tháng cuối năm, phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm. Trong đó cần rà soát các động lực tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy trách nhiệm; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân; tập trung giải ngân vốn đầu tư công.
Tại họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cũng cho biết, định hướng chung là tiếp tục hạ lãi suất ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng vẫn định hướng 14-15% trong năm 2023, hiện nay dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng thực hiện cho vay. Lẽ ra lãi suất ngân hàng đã hạ thì tăng trưởng tín dụng phải nhanh nhưng hiện nay tốc độ tăng chậm. Nguyên do là cầu tiêu dùng, cầu đầu tư thấp nên tăng trưởng tín dụng không thể tăng cao; sản xuất của doanh nghiệp khó khăn với việc tồn kho nhiều, đơn hàng ít; thị trường bất động sản chưa sôi động trở lại… Do đó, định hướng tới đây là tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng; bảo đảm thủ tục thông thoáng hơn; xem xét các đối tượng được vay; tiếp tục xem xét cơ cấu, giãn, hoãn nợ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú. Ảnh: QUANG PHÚC |
Về tình hình cung ứng điện trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhu cầu điện năng tăng tới hơn 30%. 4 tháng đầu năm cơ bản đáp ứng đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt; tháng 5, 6 do nhiều khó khăn, trong đó nắng nóng kéo dài, sự cố các nhà máy điện… dẫn đến tình trạng tiết giảm cung ứng điện, cắt điện luân phiên. Đến nay, tình hình cung ứng điện đã ổn định hơn dù vẫn còn khó khăn.
Theo Thứ trưởng Hải, từ tháng 7, mực nước các hồ thủy điện có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, nắng nóng vẫn còn phức tạp… Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, trong đó có giải pháp về đầu tư bảo đảm nguồn ứng điện.