Theo đề xuất, các cổng thu phí sẽ bố trí trên vành đai khép kín xung quanh khu trung tâm (quận 1, 3), gồm các tuyến đường: Hoàng Sa men theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Một số cổng thu phí bố trí trên các đường thường ùn tắc như Trường Sơn, Cộng Hòa (quận Tân Bình).
Hệ thống thu phí thực hiện theo công nghệ không dừng, với một trung tâm điều hành kết nối các cổng để xử lý thông tin, điều hành việc thu phí. Tổng vốn đầu tư 2.274 tỷ đồng, trong đó chi phí đầu tư ban đầu khoảng 478 tỷ đồng. Nhà đầu tư sẽ tự thu xếp vốn để thực hiện dự án theo hợp đồng khi được ký kết. Sở GTVT kiến nghị Sở KH-ĐT tham mưu UBND TPHCM xem xét, quyết định, đồng thời hướng dẫn Công ty ITD lập hồ sơ đề xuất dự án.
Trước đó, năm 2010 TPHCM chấp thuận đề xuất của Công ty ITD về dự án thu phí ô tô vào khu trung tâm. Hai năm sau, đề án chính thức được trình UBND TPHCM, với tổng mức đầu tư toàn bộ khoảng 1.200 tỷ đồng. Theo đề án lúc đó, 36 cổng thu phí tự động cũng xây trên các tuyến đường bao quanh quận 1, 3 và vùng giáp ranh với quận 5, 10. Các cổng được lắp đặt thiết bị tính phí và camera chuyên dụng nhận dạng các loại xe. Tuy nhiên, dự án bị ngưng do gặp nhiều ý kiến trái chiều.
Năm 2019, Sở GTVT tiếp tục đề xuất đầu tư 34 cổng thu phí ô tô vào trung tâm, do Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (hiện là Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị) làm chủ đầu tư, kinh phí khoảng 250 tỷ đồng từ ngân sách nhưng chưa triển khai.