Tiếp tục đề nghị xử phạt thủy điện Plei Kần do tích nước trái phép

Lần thứ 2 chỉ trong vòng nửa tháng, Sở Công thương Kon Tum đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở xử phạt thủy điện Plei Kần (xây dựng tại huyện Ngọc Hồi và Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) tự ý tích nước, bất chấp yêu cầu ngừng tích nước của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Sở Công thương.


 

Thủy điện Plei Kần

Ngày 3-11, nguồn tin của báo SGGP cho biết, Sở Công thương Kon Tum tiếp tục phát văn bản đề nghị UBND tỉnh này chỉ đạo các sở xem xét xử phạt việc tích nước trái phép ở thủy điện Plei Kần. Đây là đề nghị xử phạt lần 2 của Sở Công thương chỉ trong vòng nửa tháng qua.

Đề nghị này được đưa ra khi ngày 28-10, liên ngành Sở Công thương, Sở TN-MT và UBND các huyện Ngọc Hồi, Đắk Tô kiểm tra và phát hiện thủy điện này tiếp tục tích nước trái phép dù trước đó, Sở Công thương và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) có văn bản yêu cầu dừng tích nước nhưng thủy điện này vẫn phớt lờ.

Theo đó, Sở Công thương Kon Tum đề nghị UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Sở TN-MT xem xét xử lý hành vi vi phạm tự ý tích nước; Sở Xây dựng xem xét xử lý hành vi đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thầm quyền.

Vườn cây, nhà dân bị ảnh hưởng do tích nước trái phép

Lần đề nghị xử phạt đầu tiên là vào ngày 21-10. Khi đó, Sở Công thương có văn bản đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo 2 Sở TN-MT và Sở Xây dựng xem xét xử phạt thủy điện Plei Kần cũng với với 2 hành vi trên. 

Trả lời Báo SGGP về việc tại sao đề nghị xử phạt hành vi đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, ông Lê Như Nhứt, Giám đốc Sở Công thương cho biết: 2 Sở Công thương và Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra về tình hình nghiệm thu của chủ đầu tư. Tuy nhiên, qua kiểm tra có thay đổi kỹ thuật nên để đảm bảo an toàn tuyệt đối, Sở Xây dựng kiến nghị Sở Công thương kiểm định đập trước khi tham mưu tích nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thủy điện chưa hoàn thành công tác kiểm định đập để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hạng mục công trình mà tự ý tích nước thì đề nghị xử lý.  

Nói về mục đích của việc tự ý tích nước thủy điện, ông Nguyễn Văn Quân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tấn Phát, Chủ đầu tư thủy điện Plei Kần phân bua: Việc tích nước để cho nước vào máy (gọi là rà cơ), xem có vấn đề, có lỗi gì không? Kể cả việc thử các cửa tích nước để đảm bảo an toàn vận hành sau này, tránh tình trạng khi tích nước chính thức mà cửa bung ra thì gần giống như một quả bom, nước đổ xuống rất nguy hiểm. Việc tích nước không phải liên tục qua các ngày mà mỗi ngày chỉ khoảng 2-3 tiếng. Ví dụ, nhiều lúc sửa xong cái cửa thì tích 2-3 tiếng để kiểm tra đạt chưa, sau đó xả ra. Chưa đạt thì sửa tiếp, sau đó tích lại xem các cửa đã an toàn chưa, có rò rỉ gì không? Các khe, phai có trơn tru không? Rồi lại xả.

Tiếp tục đề nghị xử phạt thủy điện Plei Kần do tích nước trái phép ảnh 3 Bên trong Thủy điện Plei Kần

Trước đó, như báo SGGP đã phản ánh, vào cuối tháng 9 đầu tháng 10-2020, thủy điện Plei Kần (công suất 17MW) dù chưa đủ điều kiện và chưa được cấp phép tích nước nhưng đã tự ý tích nước làm ngập hoa màu, nhà cửa, đường đi vào khu sản xuất của người dân.

Điều khiến dư luận bức xúc là dù cơ quan chức năng đã yêu cầu, công ty cũng đã có cam kết nhưng sau đó vẫn tiếp tục tích nước.

Tin cùng chuyên mục