Các chuyên gia tham gia tọa đàm đều cho rằng, đây là những quyết định cân não, quan trọng và mạnh mẽ, thể hiện sự sáng suốt, quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, đưa đất nước chuyển sang giai đoạn mới vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Các ý kiến cũng cho rằng, Nghị quyết 128 là bài học để có thể ứng phó kịp thời, hiệu quả với những cuộc khủng hoảng tiếp theo. Từ thực tiễn hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, dù dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhưng số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có xu hướng gia tăng. Dịch bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan đang xâm nhập là không thể tránh khỏi, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác đang lưu hành; tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và nghiên cứu, triển khai tiêm ngay cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi khi có đủ cơ sở khoa học.
TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, hiện nay dịch bệnh chưa kết thúc và khó khăn của doanh nghiệp cũng chưa kết thúc. Do đó, cần sớm cải thiện những khó khăn về thể chế. “Trong lúc có dịch, Thủ tướng Chính phủ đã nói rất rõ là không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trừ khi có những vi phạm rõ ràng. Phải làm sao việc xử lý sau đại dịch ít tạo ra những tác động tiêu cực đến người dân và doanh nghiệp”, TS Phan Đức Hiếu nêu quan điểm và cho rằng, chúng ta có nhiều chính sách rồi nhưng việc thực thi chính sách phải đầy đủ, kịp thời, toàn diện. Khi chính sách không toàn diện, doanh nghiệp không được tiếp cận công bằng sẽ tạo ra sự méo mó…