Phiên họp thứ 6 xem xét, thảo luận, cho ý kiến đối với Tờ trình của Ban Nội chính Trung ương về nội dung sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo nhiệm kỳ 2016 - 2021; Báo cáo của Quân ủy Trung ương về việc điều chỉnh Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong Quân đội”; Tờ trình của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao về Đề án “Đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính”; Báo cáo về một số vấn đề tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại một số địa phương.
Cho ý kiến về Tờ trình sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, các đại biểu đề nghị sửa đổi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban Chỉ đạo cho phù hợp với việc chuyển Văn phòng Ban Chỉ đạo về Ban Nội chính Trung ương. Đồng thời, bổ sung 1 điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo giúp Trưởng Ban chỉ đạo triển khai thực hiện các công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo; đồng thời đề nghị bỏ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên chuyên trách kiêm Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo. Cho ý kiến về một số vấn đề tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại một số địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp, các cơ quan tư pháp cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tranh tụng cho kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Việc điều chỉnh Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong Quân đội” nhằm bảo đảm tính chủ động, kịp thời trong đấu tranh chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội, nâng cao kỷ luật, sức mạnh chiến đấu của quân đội... Việc đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính đã được triển khai thí điểm và đã đạt được kết quả tích cực bước đầu.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao các thành viên Ban Chỉ đạo đã có ý kiến thể hiện rõ quan điểm cá nhân về từng nội dung nêu trong các tờ trình, đề án, báo cáo. Chủ tịch nước đề nghị Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan chủ trì xây dựng đề án, báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện văn bản. Chủ tịch nước yêu cầu phải khẩn trương hoàn thành Đề án sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương, trong đó có việc tổ chức lại Văn phòng Ban Chỉ đạo cho phù hợp, trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định; chỉ đạo xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban Thư ký bảo đảm đủ điều kiện thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo từ nay đến hết nhiệm kỳ, đặc biệt là tham gia tổng kết toàn diện việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn sau năm 2020.
Về Đề án “Đổi mới, tăng cường công tác hòa giải trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính”, Chủ tịch nước cho rằng Đề án đã được xây dựng công phu. Đồng thời, đã tổng kết, đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về giải quyết các tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính tại các tòa án nhân dân ở địa phương. Cùng với đó đã tổ chức thực hiện thí điểm mô hình hòa giải tại các tòa án ở thành phố Hải Phòng. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo tại phiên họp và tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc lập hồ sơ trình Quốc hội cho phép xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong thời gian tới.
Về Báo cáo một số vấn đề tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại một số địa phương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, thời gian qua các cấp, các ngành ở các địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ cải cách tư pháp và đạt nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều đổi mới. Các cơ quan tư pháp đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án trọng điểm, các vụ án còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp ở các địa phương còn một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc, trong đó việc giải quyết các vụ án hành chính, công tác thi tuyển, bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán còn chậm dẫn tới tình trạng gây quá tải và áp lực cho các tòa án địa phương. Vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, đề xuất các biện pháp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc tại địa phương; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo đúng đường lối của Đảng.