Ngày 26-5, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 17 đến nay và một số nội dung quan trọng khác.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh BNC Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất: Từ sau Phiên họp thứ 17 (15-1-2020) đến nay, mặc dù trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, nên công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo nói riêng tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, có những chuyển biến tích cực.
Đảng ủy Công an Trung ương, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương đã tích cực, khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kết thúc xác minh 1 vụ việc; kết thúc điều tra 8 vụ án/49 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 4 vụ án/30 bị can, hoàn thành xét xử sơ thẩm 6 vụ án/17 bị cáo, xét xử phúc thẩm 3 vụ án/34 bị cáo.
Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi gần 7.600 tỷ đồng; Cơ quan điều tra tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch các tài sản có trị giá 773,37 tỷ đồng, 2,23 triệu USD, 34 bất động sản, 5 ô tô và nhiều tài sản khác. Đặc biệt đã khẩn trương đưa ra xét xử một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm:
1. Xét xử sơ thẩm vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân liên quan đến đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TPHCM;
2. Xét xử sơ thẩm vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Chi nhánh Lũng Lô miền Nam, Công ty Lũng Lô;
3. Xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan;
4. Xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
5. Xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Đà Nẵng. Ban cán sự đảng Chính phủ đã lãnh đạo Thường trực Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, UBND TPHCM,…) tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu phục vụ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra Dự án nhà máy Đạm Hà Bắc.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với 1 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, 1 đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 2 đồng chí nguyên cấp Thứ trưởng có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Những kết quả đạt được nêu trên tiếp tục khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng cùng với việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế.
Phấn đấu đến hết năm 2020 kết thúc điều tra 13 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 17 vụ án; xét xử sơ thẩm 21 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án; kết thúc xác minh, xử lý 18 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Trong đó, tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong các vụ án:
1. Vụ án “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Rửa tiền; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan;
2. Vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban Quản lý đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan;
3. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri);
4. Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Quận 1, TP Hồ Chí Minh;
5. Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì và kết luận cuộc họp. Ảnh: BNC
Kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, duy trì, thậm chí làm mạnh hơn. Yêu cầu nhiệm vụ sắp tới là phải tập trung phục vụ nhiệm vụ chính trị, trọng tâm là phục vụ việc tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp. Việc tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là dịp quan trọng để nhìn lại năm 2020 và cả nhiệm kỳ, rút kinh nghiệm thiết thực, đồng thời động viên toàn Đảng, toàn dân, tạo không khí phấn khởi trong xã hội, truyền thông điệp không dừng, không nghỉ trong bất cứ hoàn cảnh nào và sắp tới phải làm mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, sự phối hợp giữa các cơ quan vừa qua rất tốt, sắp tới phải làm tiếp, phục vụ cho công tác nhân sự Đại hội. Những khâu khó như giám định, phải có cách làm, xét xử phải căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể, có yếu tố tăng nặng, có yếu tố giảm nhẹ, quan điểm xử lý phải nhất quán, phải rất công tâm, công bằng. Tinh thần là giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh, không chỉ cốt xử nhiều, xử nặng mới là tốt; cần rút kinh nghiệm, cầu thị lắng nghe, đoàn kết thống nhất, đặt lợi ích chung lên trên hết.
"Trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phải khẳng định nguyên tắc là nghiêm khắc, khẩn trương nhưng cũng rất thận trọng, trách nhiệm, có lý, có tình, đầy sức thuyết phục, mang tính cảnh tỉnh, cảnh báo và giáo dục. Ngăn ngừa không để lọt vào Trung ương, Bộ Chính trị những phần tử không đủ tiêu chuẩn, nhưng cũng đừng nghe dư luận mà bỏ sót những người thực sự có tài, thực sự có đức, người khiêm tốn thường không hay nói ra, nhưng đó là những người đáng quan tâm, cái trống đánh kêu to nhưng chưa chắc đã phải là cật. Cần có chính sách khuyến khích những người làm sáng tạo, có động cơ tốt nhưng làm chưa được thì phải khuyến khích; phải có chính sách khuyến khích những người sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Những người đúng không dám bảo vệ, sai không dám đấu tranh, mũ ni che tai, giữ mình là chính, cứ bo bo vào, người ấy chưa chắc đã tốt, mà lại là “cái mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong”...", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
TRẦN BÌNH