Tối 4-7, sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ.
Về vấn đề giá xăng dầu vẫn tăng cao, vừa qua Bộ Tài chính trình điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31-12-2022. Tuy nhiên, đây được cho là mức thấp, cần có giải pháp để tiếp tục kiềm giá xăng dầu.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, ngay trong ngày 4-7, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến và thông qua Nghị quyết của UBTVQH về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; cho phép điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu với mức giảm 1.000 đồng, đưa mức thuế về mức sàn và đề nghị UBTVQH quyết sớm nhất để có thể áp dụng. Theo thẩm quyền, Bộ Tài chính chỉ đề nghị quyết định được ở mức sàn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Chính phủ đã đồng ý và đã trình UBTVQH quyết sớm nhất, để chúng ta có mức điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu theo thẩm quyền của UBTVQH.
Theo ước tính, chính sách này nếu được quyết từ ngày 1-8-2022 thì ước giảm thu ngân sách nhà nước từ giảm thuế bảo vệ môi trường cộng với giá trị gia tăng vào khoảng 7.000 tỷ đồng. Cùng với việc chúng ta đang triển khai 2 nghị quyết của UBTVQH đối với giảm thuế bảo vệ môi trường từ đầu năm đến nay trên mặt hàng xăng dầu, giảm 25.538 tỷ đồng nữa thì tổng thu ngân sách nhà nước khi thực hiện tất cả các giải pháp sẽ ước giảm thu khoảng 32.538 tỷ đồng trong năm 2022.
Với lượng xăng dầu dự kiến theo báo cáo của Bộ Công thương, số thu ngân sách từ việc tăng giá cũng như tăng lượng trong năm 2022, tăng ngân sách nhà nước khoảng 9.100 tỷ đồng. Như vậy trong thu ngân sách do giá dầu tăng từ nhập khẩu xăng dầu vào khoảng hơn 9.000 tỷ đồng, trong khi đó, riêng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, giảm thu ngân sách giảm hơn 32.500 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, ngoài những giải pháp trên, Bộ Tài chính cũng chủ động các giải pháp, phương án khác nữa đối với chính sách thuế với mặt hàng xăng dầu, bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt. Bộ Tài chính đang nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền để căn cứ vào diễn biến thực tế của giá xăng dầu trên thế giới và diễn biến giá xăng dầu ở Việt Nam ở từng thời điểm. Từ nay đến cuối năm sẽ báo cáo cấp thẩm quyền có những động thái hoặc chính sách điều chỉnh cho phù hợp nhằm mục tiêu ổn định giá xăng dầu trong nước và hỗ trợ cho phát triển kinh tế, xã hội cho cả nước.
Về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 4 có thực sự cần thiết và nếu suy giảm miễn dịch cộng đồng thì dịch có quay lại? Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy mức độ bảo vệ của các mũi tiêm cơ bản vaccine phòng Covid-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm. Trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới, Tổ chức Y tế Thế giới và CDC Hoa Kỳ đã khuyến cáo tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 để ngăn ngừa, phòng, chống dịch Coivd-19 là hết sức quan trọng. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã tiêm mũi 3, mũi 4 cho người lớn và trẻ vị thành niên.
Trước bối cảnh xuất hiện biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron tại Việt Nam, dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận các ca mắc Covid-19 đã tăng tại nhiều quốc gia kể từ tháng 4-2022. Đợt gia tăng chủ yếu do sự lây lan của biến thể phụ Omicron BA.4 và BA.5. Vì vậy nếu khả năng miễn dịch suy giảm trong cộng đồng cùng với việc chủ quan, lơ là trong tiêm vaccine và phòng chống dịch Covid-19, sẽ có nguy cơ cao bùng phát dịch trở lại.
Về các giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, về giải pháp trong ngắn hạn, trước mắt, Bộ Y tế đang tích cực soạn thảo để trình và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết về bảo đảm thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Đẩy nhanh tiến độ cấp phép quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán tại Trung ương và địa phương; sửa đổi bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.
Đồng thời, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết quả kiểm tra tại các địa phương, Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, các địa phương triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị để tránh tình trạng tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám mua sắm.
Về dài hạn, hiện nay, Bộ Y tế cũng đang xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung các Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Trang thiết bị y tế, Luật dược…