- PHÓNG VIÊN: Thưa Bộ trưởng, Bộ Nội vụ được xem là cơ quan “gác gôn” nhân sự của Chính phủ. Những năm qua, công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp, tinh giản biên chế công chức, viên chức được thực hiện như thế nào?
* Bộ trưởng LÊ VĨNH TÂN: Thực hiện chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là việc khó, đã đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa thực hiện được. Song với quyết tâm cao, đến nay về cơ bản, chúng ta đã đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo chỉ đạo của Đảng, bởi điều chúng ta cần không phải giảm thuần túy về số lượng, mà phải giảm số người làm việc yếu kém gắn với các biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
- Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Bộ trưởng có thể chia sẻ việc: Làm thế nào đánh giá chất lượng cán bộ được khách quan, phục vụ cho một nền công vụ vì dân?
* Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng trong tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện. Theo đó, nguyên tắc thực hiện việc đánh giá phải theo tiêu chí cụ thể, gắn với kết quả, sản phẩm, thực hiện hàng năm, trước khi luân chuyển, bổ nhiệm; đồng thời giao cho người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quy định tiêu chí đánh giá cụ thể, bảo đảm đáp ứng nguyên tắc của luật và quyết định thực hiện đánh giá phù hợp với đặc thù công việc cơ quan, tổ chức, đơn vị. Công tác đánh giá cán bộ là khâu quan trọng, là căn cứ để thực hiện quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm. Nghị định số 90 của Chính phủ vừa qua đã cụ thể hóa nguyên tắc này.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm, trong quá trình đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, nhiều người vẫn lo ngại về chuyện không trung thực, khách quan, còn nể nang, hình thức. Điều này, trước hết khắc phục bằng cách các quy định của pháp luật phải rõ ràng, quy trình đánh giá phải công khai, minh bạch. Các tiêu chí đánh giá phải căn cứ vào kết quả cụ thể. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, phải căn cứ vào kết quả, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đối với cán bộ cấp chiến lược, việc đánh giá còn phải căn cứ vào kết quả đổi mới, sáng tạo; tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm; khả năng thích ứng nhanh với tình hình thực tiễn, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Đánh giá để bổ nhiệm và bầu cử phải trực tiếp khảo sát, gặp gỡ trao đổi với các tổ chức, cá nhân có liên quan và tham khảo ý kiến phản ánh, đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bản thân cán bộ tự đánh giá; tập thể đánh giá; cấp trên đánh giá; cấp dưới đánh giá; huy động các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia đánh giá.
- Sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục triển khai những gì liên quan đến việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, tinh giản biên chế, thưa Bộ trưởng?
* Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phải kiên quyết giảm những người làm việc yếu kém, đồng thời nâng cao chất lượng thông qua đổi mới chính sách đào tạo, bồi dưỡng theo phương châm và yêu cầu “Bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt; bồi dưỡng toàn diện về kỹ năng; định kỳ cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng”. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế để nhân dân tham gia xây dựng và giám sát cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Cùng với đó, quy định cụ thể cơ chế để cán bộ, công chức, viên chức tự phê bình, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến của nhân dân; sửa chữa những khuyết điểm được nhân dân góp ý, phát hiện, phê bình trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức đoàn thể; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong sử dụng, quản lý cán bộ; có cơ chế phát hiện, lựa chọn, giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực và uy tín trong các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế tham gia vào đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị.
Để đáp ứng được yêu cầu mức sống của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động, bộ sẽ kiên quyết thực hiện cho được đề án cải cách chính sách tiền lương mới.
- Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng sắp diễn ra, Bộ trưởng có ý kiến gì để lựa chọn được người có đủ tâm, đủ tài vào bộ máy?
* Việc chuẩn bị công tác nhân sự không phải bây giờ chúng ta mới làm mà đã chuẩn bị từ nhiều năm. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải thực hiện công tác đánh giá cán bộ trong năm 2019. Trong bối cảnh tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng và chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ năm 2021-2026, cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế để nhân dân tham gia xây dựng và giám sát cán bộ; nhân dân phát hiện, tiến cử những người có đức, có tài cho đội ngũ cán bộ; nhân dân lựa chọn, bầu cử những người lãnh đạo trực tiếp của mình; có chế độ quy định cán bộ tự phê bình, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến của nhân dân, sửa chữa những khuyết điểm được nhân dân góp ý, phát hiện, phê bình trực tiếp hoặc thông qua các đoàn thể chính trị - xã hội.
Tôi mong rằng các đơn vị cần có quyết tâm chính trị cao thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Công tác nhân sự cần tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đúng người, đúng việc…
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!