Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông, cho hay, trong tháng 5 và tháng 6-2023, Bộ TT-TT sẽ tổ chức thanh tra diện rộng với sự tham gia của sở TT-TT các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước nhằm xử lý nghiêm tình trạng vi phạm thông tin thuê bao trên điện thoại.
Theo đó, Cục Viễn thông sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý tình trạng SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, hay còn gọi là SIM rác; ngăn chặn, xử lý vi phạm liên quan đến cuộc gọi quảng cáo và số điện thoại thuộc danh sách quảng cáo. Bên cạnh đó, Cục Viễn thông sẽ triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn cuộc gọi rác, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến. Cơ quan chức năng sẽ cung cấp đến người sử dụng các công cụ để chủ động ngăn chặn từ thiết bị đầu cuối của mình.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, sau khi chuẩn hóa thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ TT-TT sẽ xử lý các chủ thuê bao sở hữu 10 SIM trở lên. Việc xử lý và tuyên truyền về một số vụ việc điển hình sẽ tác động mạnh tới nhận thức và góp phần răn đe các hành vi vi phạm.
Các động thái trên được kỳ vọng sẽ hạn chế được tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo. Tuy nhiên, thời gian gần đây lại xuất hiện kiểu gọi lừa đảo “Khóa thuê bao hai chiều” từ đầu số quốc tế. Anh Thanh Bình (làm việc tại quận 3, TPHCM) cho biết: “Hôm vừa rồi có đầu số +98 (0)06176... gọi thông báo là thuê bao quý khách sẽ bị khóa hai chiều, phải làm theo các thao tác sau. Tôi biết ngay là số gọi lừa đảo, dẫn dụ vào những việc khác có thể bị mất tiền trong thuê bao nên đã tắt ngay”.
Hiện nay, việc thiết lập 1 tổng đài ảo với đầu số trong nước hay nước ngoài rất dễ dàng. Đối tượng lừa đảo có thể mua phần mềm, thiết lập một tổng đài ảo có đầu số bất kỳ quốc gia nào, hoặc địa phương nào đó ở Việt Nam, thậm chí dễ dàng thực hiện một gói cước viễn thông qua dịch vụ VoIP (điện thoại qua giao thức Internet) và kết nối với người dùng để thực hiện kịch bản lừa đảo. Ông Ngô Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Công ty an ninh mạng SafeGate, cho biết, những đối tượng lừa đảo đã tấn công máy chủ ở một quốc gia nào đó và biến máy chủ này thành phương tiện để thực hiện điện thoại VoIP, gọi đến người dùng trong nước nên có lúc người dùng nhận được cuộc gọi từ nước ngoài. “Người dùng di động không thực hiện bất cứ một đề nghị nào nếu nhận được cuộc gọi lừa đảo kiểu này”, ông Ngô Tuấn Anh nhấn mạnh.
Để chấn chỉnh, xử lý tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, Bộ TT-TT đã chỉ đạo triển khai thực hiện 6 biện pháp, trong đó chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý tình trạng SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định (SIM rác); tiếp tục phối hợp với Bộ Công an xử lý các cuộc gọi lừa đảo; điều tra, xử lý các trạm thu phát sóng giả; đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc xây dựng, triển khai các hệ thống ngăn chặn cuộc gọi rác; áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến…
Về các biện pháp, giải pháp kỹ thuật để phát hiện và ngăn chặn cuộc gọi Deepfake (sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo giả mạo hình ảnh để lừa đảo), ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), cho biết, ngay từ thời điểm tiếp nhận phản ánh của người dân về hình thức lừa đảo trực tuyến này, Bộ TT-TT đã phân tích và cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Liên quan đến cuộc gọi Deepfake, hiện nay các chính phủ, các tổ chức và các tập đoàn công nghệ lớn đang cùng tìm biện pháp, giải pháp kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn. Bộ TT-TT đề nghị các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người dân có thể nhận biết dấu hiệu của các cuộc gọi lừa đảo này, từ đó nâng cao cảnh giác.