Tiếp tục chấn chỉnh mạng lưới bán hàng đa cấp

(SGGP).- Sau khi chính thức công bố kết luận kiểm tra đối với 4 công ty bán hàng đa cấp và phát hiện nhiều sai phạm nhưng vẫn còn 3 công ty lớn khác chưa có kết luận là Thiên Ngọc Minh Uy, Amway và Unicity, chiều 12-7, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, đối với Thiên Ngọc Minh Uy, hiện tiến trình kiểm tra đã đi vào giai đoạn cuối. Trong quá trình kiểm tra, Bộ Công thương đã nhận được một số đơn thư khiếu nại và lãnh đạo bộ chỉ đạo làm rõ từng đơn, vì vậy khi nào làm rõ toàn bộ mới kết thúc. Còn về Unicity, trước đó, song song với đoàn kiểm tra của Bộ Công thương thì Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã tổ chức đoàn vào kiểm tra và đã ban hành quyết định xử phạt công ty này 110 triệu đồng.

Thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về việc một doanh nghiệp không bị kiểm tra quá 1 lần trong năm và quan trọng hơn là từ khi xử phạt, Bộ Công thương cũng không nhận thêm bất cứ đơn thư khiếu nại nào cũng như thông tin phản ánh hoạt động không đúng nào của công ty trên báo chí, nên Bộ Công thương đã cân nhắc rất kỹ và loại Unicity ra khỏi đợt kiểm tra. Nếu có bất cứ thông tin nào về hoạt động sai phạm, Bộ Công thường sẽ xin ý kiến Chính phủ để kiểm tra doanh nghiệp này.

Về việc bảo vệ quyền lợi của người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, đặc biệt là đối với những người đã đóng tiền vào mà không nhận được hàng, nhưng cũng không đòi lại được tiền của các công ty đa cấp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết khi kiểm tra đã phát hiện có hai loại đối tượng tham gia mạng lưới đa cấp. Thứ nhất là những người tham gia thực sự, đưa tiền và sau đó có nhận lại hàng để đi bán, nhưng bởi lý do nào đó không tiêu thụ được, nay mong muốn trả lại hàng để nhận tiền theo quy định của pháp luật. Nếu trường hợp đó công ty không nhận lại hàng, không tuân thủ quy định của pháp luật thì Bộ Công thường chắc chắn sẽ vào cuộc, bảo vệ đến cùng quyền lợi của những người tham gia bán hàng đa cấp.

Thứ hai là những người tham gia mạng lưới nhưng không với mục đích bán hàng đa cấp. Họ đưa tiền nhưng không nhận hàng, thậm chí từ chối nhận hàng mà chỉ mong chờ các khoản lãi do công ty chi trả. Đây không phải quan hệ bán hàng đa cấp nữa, nên nếu có tranh chấp giữa những khách hàng với nhau thì phải xử lý theo các quy định khác của pháp luật. Ví dụ nếu có tranh chấp dân sự thì ra tòa án dân sự để xử lý; hoặc một bên cho rằng bên kia có dấu hiệu lừa đảo thì báo cơ quan điều tra để vào cuộc xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục