Trong khi đó, Trung Quốc cho biết có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế vào năm 2020 bất chấp dịch bệnh. Nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường tài chính chống lại tác động của dịch Covid-19, ngày 20-2, PBOC đã thông báo cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn (LPR) 1 năm từ mức 4,15% cách đây một tháng xuống còn 4,05%.
Theo các chuyên gia kinh tế, Hồ Bắc là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2018, tỉnh này đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế gần 8%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của Trung Quốc (chưa đến 7%). Việc tỉnh này và các khu vực lân cận bị phong tỏa khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể hoạt động sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ít nhất 2%.
Giới chức Trung Quốc cũng cho biết nước này sẽ miễn giảm hơn 500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 71,27 tỷ USD) phí bảo hiểm xã hội trong năm nay nhằm hỗ trợ các công ty ứng phó với dịch bệnh. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ giảm hoặc miễn trừ việc đóng lương hưu, bảo hiểm thất nghiệp và tai nạn lao động cho các công ty trong một thời gian nhất định.
Bà Victoria Perskaya, Giám đốc Viện Nghiên cứu quan hệ kinh tế quốc tế tại Đại học Tài chính thuộc Chính phủ Liên bang Nga, nhận định, tổng thiệt hại đối với nền kinh tế thế giới do sự lây lan của dịch Covid-19 có thể lên tới 500 tỷ USD. Đầu tháng 2, Goldman Sachs dự đoán tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 sẽ chậm lại do sự lây lan của Covid-19 từ 0,1%-2% và lên tới 3,25%. Theo Goldman Sachs, trong quý 1 năm nay, thiệt hại do Covid-19 sẽ là đáng kể nhất và không thể bù lại đầy đủ trong quý 2.
Giới phân tích cho rằng chắc chắn tác động của Covid-19 sẽ không chỉ giới hạn ở châu Á. Dịch bệnh nguy hiểm này hiện đã xuất hiện tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các hãng chế tạo ô tô của Đức, Pháp và Mỹ đều buộc phải đóng cửa các nhà máy ở Vũ Hán. Giá dầu thô đang lao dốc do nhu cầu của Trung Quốc giảm và từ đó sẽ tác động tiêu cực tới các nước sản xuất dầu thô.