PHÓNG VIÊN: - Nhìn lại năm 2020 đầy sóng gió, ấn tượng nhất của ông là gì?
Ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG: - Những ngày đầu năm 2020 chúng ta phấn khởi và tự tin vì đã có kết quả tốt đạt được năm 2019 làm nền và tạo đà. Nhưng dịch bệnh Covid-19 ập đến và lan rộng. Chính phủ đã phản ứng rất nhanh, thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch và đánh giá khả năng tác động của dịch bệnh, thay đổi các kịch bản điều hành.
Các giải pháp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và người dân cũng được khẩn trương nghiên cứu và ban hành. Có những quyết định nếu chỉ chậm vài ngày, có thể chúng ta đã không có cơ hội kiểm soát được dịch bệnh như hiện nay. Chẳng hạn, việc dừng toàn bộ các chuyến bay thương mại với Trung Quốc và sau đó là châu Âu, thực hiện giãn cách xã hội...
Thực tế, không dễ dàng để đưa ra những quyết định “cân não” như thế. Nhưng đó là những quyết định đúng lúc, dù lúc đó có nhiều ý kiến chưa đồng thuận với biện pháp mạnh và quyết liệt của Chính phủ, bởi mục tiêu kiểm soát dịch bệnh và mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn có những mâu thuẫn. Đóng cửa để kiểm soát dịch bệnh tuy làm một số ngành có tê liệt, nhưng cơ bản nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế vẫn vận hành và phục hồi nhanh hơn. Thực tiễn cho thấy ở đâu kiểm soát được dịch bệnh, ở đó có thể duy trì được tăng trưởng và tốc độ phục hồi kinh tế sau dịch bệnh cũng nhanh hơn.
- Có điều gì ông cảm thấy chưa đạt và nếu làm tốt hơn mọi việc đã khác, thưa ông?
- Nhìn lại thấy vẫn còn những hạn chế như cải cách doanh nghiệp nhà nước chưa đạt kết quả đột phá. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa phát huy vai trò. Tinh thần thời chiến trong chống dịch lại chưa được áp dụng trong phục hồi kinh tế. Gói hỗ trợ được ban hành nhanh chóng, nhưng ở nhiều nơi chưa hành động tương xứng khiến sự kịp thời, nhanh nhạy của Chính phủ trong hỗ trợ giảm hiệu quả.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đưa ra các quyết sách rất nhanh, nhưng trong phục hồi kinh tế vẫn theo quy trình ra quyết định truyền thống. Quyền hạn của Chính phủ bị giới hạn nên các gói hỗ trợ chưa đủ lớn về quy mô, chưa đủ dài về thời gian, làm sự hỗ trợ “không thấm vào đâu” so với những thiệt hại sản xuất, kinh doanh đã phải hứng chịu. Sự nhanh chóng trong việc ra các quyết sách trong bối cảnh đặc thù của đại dịch lẽ ra cần được áp dụng thường xuyên hơn trong phát triển kinh tế - xã hội ở trạng thái bình thường mới.
- Quốc hội ra Nghị quyết năm 2021 tăng trưởng GDP 6%, có ý kiến cho rằng chỉ nên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khiêm tốn ở mức 5%. Ông nghĩ sao về mục tiêu này?
- Khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam còn đang vật lộn với Covid-19, nhiều dự báo cho rằng tác động của Covid-19 còn kéo dài, nên 2021 sẽ là năm đầy khó khăn. Chính vì thế, tôi cho rằng phải đặt mục tiêu đủ cao để phấn đấu, để các nhà lãnh đạo có trách nhiệm hơn. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đổ gãy, tăng trưởng âm với quy mô GDP và thu nhập của người dân giảm sút, nhiều người dự báo thế giới phải mất 2 năm mới phục hồi về mức trước đại dịch, nền kinh tế Việt Nam vẫn đi lên, tốc độ phục hồi nhanh hơn.
Đây là cơ sở để kỳ vọng năm 2021 Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra. Nếu tiếp tục cải cách mạnh mẽ và có kế hoạch phục hồi kinh tế tốt, tôi tin có thể đạt mức tăng trưởng tới 8%. Nhưng nếu những cải cách hết sức căn bản vẫn không thay đổi, đạt được mức tăng trưởng 5-6% cũng khó.
- Ông kỳ vọng và mong đợi gì ở Chính phủ nhiệm kỳ mới này?
- Chúng ta đều mong chờ nhiệm kỳ mới sẽ có những chủ trương, biện pháp và giải pháp mới mang lại sự thay đổi lớn, đưa đất nước và nền kinh tế vào chặng đường phát triển mới. Trước hết, tôi mong sớm có kế hoạch phục hồi kinh tế chứ không phải là những chính sách hỗ trợ. Song song với đó là việc tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2 - giai đoạn thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thị trường hơn.
Chính phủ cần có quyền nhiều hơn, đồng thời cần phải tích cực, quyết liệt cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp được làm những gì doanh nghiệp muốn và pháp luật không cấm, không phải chỉ làm gì pháp luật cho phép. Khu vực tư nhân chỉ cần tự do kinh doanh và an toàn kinh doanh. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích thúc đẩy doanh nghiệp mới, ngành nghề mới xuất hiện.
Tôi cũng mong nguồn lực được tối ưu hóa. Cách thức phân bổ nguồn lực cũng phải thay đổi theo cách phân bổ theo hiệu quả dự án, không phải phân bổ theo địa phương, dân số, theo đóng góp ngân sách như hiện nay. Đồng thời, cần có chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo thu hút nguồn lực, nguồn lực về vốn, nguồn lực nhân tài. Đổi mới, sáng tạo và nhân tài là những yếu tố tạo nên sự phát triển mới của đất nước trong giai đoạn mới.
- Xin cảm ơn ông.