Hàng bình ổn chiếm 35%-50%
Chương trình BOTT các mặt hàng mùa khai trường cung ứng các dụng cụ học tập thiết yếu cho trên 2 triệu học sinh đến trường năm học mới. Trong đó, chương trình đặc biệt quan tâm đến các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, ở các quận ven và huyện ngoại thành. Chương trình năm nay có sự tham gia của 10 doanh nghiệp (DN) nhiều thế mạnh trong sản xuất và cung ứng hàng hóa với chất lượng ổn định, giá cả phù hợp.
Căn cứ vào nhu cầu thực tế và khả năng cung ứng của DN, TPHCM đã xây dựng sản lượng hàng tham gia bình ổn phục vụ mùa khai giảng năm học 2020-2021 chiếm 35%-50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn. Cụ thể, mặt hàng tập học sinh là 16.465.400 quyển, hơn 430.000 bộ đồng phục học sinh, 1.390.000 cặp - ba lô - túi xách.
Theo quyết định của UBND TP, để đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, BOTT và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội, chương trình tiếp tục gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Chương trình triển khai theo hướng tăng cường xã hội hóa nhằm khai thác tối đa tiềm năng của các nguồn lực xã hội và tạo điều kiện cho các nguồn lực kết gắn cùng nhau tăng cường hiệu quả thực hiện chương trình, nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều tiết kinh tế vĩ mô và đảm bảo phù hợp với những định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của TP và cả nước. Hàng hóa trong chương trình là sản phẩm sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, có nguồn cung dồi dào tham gia cân đối cung - cầu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.
Chương trình kết nối DN với ngân hàng thương mại để vay vốn nhằm thực hiện nhiệm vụ BOTT; khuyến khích DN tăng cường mở rộng đầu tư, hợp tác với đối tác phù hợp để phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn TP. Thúc đẩy phát triển mạng lưới và đa dạng hóa loại hình điểm bán nhằm đảm bảo hàng hóa BOTT được phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng.
Giá bán thấp hơn thị trường 10%-15%
Để thực hiện chương trình đạt hiệu quả tốt nhất, kế hoạch thực hiện chương trình BOTT các mặt hàng cung ứng mùa khai giảng năm học 2020-2021, ban hành kèm Quyết định 1115 của UBND TPHCM, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở ngành trong việc theo dõi và hỗ trợ DN trong quá trình thực hiện. Trong đó, Sở Công thương là đơn vị thường trực thực hiện nhưng Sở GD-ĐT cũng giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về các chương trình BOTT đang thực hiện đến các phòng GD-ĐT quận huyện và trường học trên địa bàn để phụ huynh và học sinh, sinh viên biết, mua sắm.
Sở GD-ĐT có nhiệm vụ tổ chức kết nối, tạo điều kiện cho DN tham gia các chương trình thực hiện giới thiệu hàng hóa BOTT đến các đối tượng trong trường học, đồng thời chỉ đạo phòng GD-ĐT các quận huyện cùng DN xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch bán sản phẩm đến học sinh, sinh viên - ưu tiên phân phối lưu động phục vụ các quận ven, huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa.
Các sở ngành khác sẽ tiếp tục kiểm tra hoạt động sản xuất, tạo nguồn hàng của DN, đảm bảo cân đối cung cầu, không để thiếu hụt cục bộ dẫn đến giá cả tăng đột biến. Chủ động và nhanh chóng huy động lực lượng bán hàng lưu động, điều phối hàng hóa đến những khu vực có dấu hiệu thiếu hàng, biến động giá để kịp thời can thiệp, phát huy vai trò dẫn dắt giá cả thị trường của chương trình; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, mạng lưới bán hàng BOTT, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm.
Theo Sở Công thương, so với các chương trình khác, chương trình BOTT các mặt hàng mùa khai trường liên quan trực tiếp đến việc học của con em TP nên áp dụng cơ chế điều chỉnh giá dù thực hiện theo hướng linh hoạt, nhưng giá bán sản phẩm trong chương trình bắt buộc phải thấp hơn giá bán các sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất 10%-15% (trong khi các chương trình khác, giá bán chỉ thấp hơn 5%). DN tham gia chương trình tự xây dựng và kê khai giá bán sản phẩm tại Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá.
Các DN cũng sẽ tập trung phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp; tổ chức các ngày hội bán hàng bình ổn, các đợt bán hàng lưu động để đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa của TPHCM và các tỉnh thành khác, nhằm thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TPHCM.
Danh sách 10 DN cung ứng các nhóm hàng BOTT 1. Công ty CP Phát hành sách TPHCM Fahasa (tập học sinh); 2. Công ty SX-TM-DV Trương Vui - Mr.Vui (cặp, ba lô, túi xách); 3. Công ty TNHH Lila Miti (cặp học sinh); 4. Công ty TNHH SX Hương Mi - Hami (cặp, ba lô, túi xách); 5. Công ty CP May Sài Gòn 2 - Sanding (đồng phục học sinh); 6. Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op (đồng phục học sinh, tập học sinh); 7. Công ty CP Văn hóa Nhân Văn (tập học sinh, cặp học sinh); 8. Công ty CP Vĩnh Tiến (tập học sinh); 9. Công ty CP Tập Việt (tập học sinh); 10. Công ty TNHH SX-TM-DV Tân Thuận Tiến (tập học sinh). |