Sáng 8-6, bên hàng lang Quốc hội, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, chiều 7-6, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) đã tổ chức phiên họp tiếp thu ý kiến về dự án luật này.
Cuộc họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, đại diện các bộ ngành, Bộ Quốc phòng, các cơ quan của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội có liên quan để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến về dự án luật này.
*PHÓNG VIÊN: Tại cuộc họp vào chiều tối ngày 7-6 của Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có sự tham gia của Chính phủ, vậy vấn đề cho thuê đất 99 năm tại đặc khu được xác định thế nào, thưa ông?
* ÔNG BÙI VĂN XUYỀN: Ủy ban họp để rà soát lại các nội dung, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về dự luật. Về vấn đề đất đai, khả năng phần nhiều là ban soạn thảo luật tiếp thu ý kiến của các đại biểu, sẽ giảm thời hạn cho thuê đất/giao đất xuống 70 năm, như Luật Đất đai hiện hành.
* Tại cuộc họp, Chính phủ đã có ý kiến chính thức chưa?
* Tại cuộc họp thì Chính phủ chưa có ý kiến chính thức. Ủy ban họp là để tiếp thu ý kiến của ĐBQH chứ không phải theo đề xuất của Chính phủ. Đề xuất của Chính phủ chỉ là một yếu tố còn ý kiến của ĐBQH mới quan trọng. Đại biểu đã ý kiến và cơ quan trẩm tra luật phải tiếp thu. Dù còn phải xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng tinh thần là sẽ bỏ quy định về thời hạn cho thuê đất/giao đất tối đa tới 99 năm, mà duy trì thời hạn cao nhất là 70 năm như quy định của Luật Đất đai 2013. Phía Chính phủ thì chắc ý kiến cũng như thế thôi.
* Vậy, với việc hạ chuẩn thời gian 99 năm xuống thì sẽ không còn tiêu chuẩn cho doanh nghiệp được giao đất 99 năm nữa? Nếu vậy thì 3 đặc khu của chúng ta sẽ còn gì nổi trội để thu hút đầu tư?
* Nói thực là giảm thời gian cho thuê đất xuống như quy định hiện nay, theo nhận định của Bộ trưởng bộ KH-ĐT, cơ quan chủ trì soạn thảo, thì còn gì là cơ chế đặc thù nữa.
Theo ý kiến cử tri, nhân dân và ĐBQH phản ánh, nếu Quốc hội chấp nhận hạ xuống thì sẽ lại giống như luật đất đai, đó là các dự án 70 năm.
Tại 3 đặc khu, chúng ta có các ưu đãi nổi trội về giá thuê đất, thời hạn thuê đất, các chính sách về thuế và đặc biệt là các cơ chế thông thoáng về thu hút đầu tư. Chính phủ xác định môi trường về đầu tư và sản xuất kinh doanh là quan trọng nhất. Cơ chế tư pháp tại đó nhanh gọn, thông thoáng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, phù hợp với thông điệp quốc tế, đó chính là cái quan trọng nhất.
Nhưng ưu đãi về thuế, về đất đai không phải là quan trọng, các nhà đầu tư mà nhất là đối với các nhà đầu tư chiến lược họ không quan tâm tới cái đó. Điều họ cần là môi trường đầu tư, đó là cơ chế chính sách phải thông thoáng, minh bạch, nhanh gọn và đảm bảo cho yêu cầu sản xuất kinh doanh đặt ra. Khi có các vấn đề tranh chấp về dân sự, về kinh tế xảy ra thì cần có sự giải quyết đúng pháp luật Việt Nam và phù hợp với pháp luật quốc tế.
* So với các đặc khu lân cận đã thành công, liệu 3 đặc khu của chúng ta đã đủ các yếu tố để cạnh tranh và thành công?
* Khi xây dựng đặc khu này, tinh thần là ta cố gắng cạnh tranh với các đặc khu trong khu vực của châu Á và các đặc khu lân cận khác. Khi lấy ý kiến ĐBQH cũng sẽ xem xét để tiếp tục chỉnh sửa lại, nếu ưu đãi nào cao thì giảm xuống, hoặc cái nào chưa vượt trội thì cần điều chỉnh cho tốt hơn.
Có thể nói, đến giờ phút này các cơ chế chính sách ở đây cơ bản đảm bảo và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Trong quá trình làm, Chính phủ và Quốc hội cũng xác định sẽ phải sửa đổi luật cho nó phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, trong 10 năm họ cũng đã sửa rất nhiều lần (cụ thể là 6 lần). Chúng ta không thể nghĩ rằng khi luật đã thông qua mà cứ thế áp dụng. Kinh tế phát triển rất nhanh, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra như hiện nay thì yêu cầu về quản lý cũng thường xuyên phải đổi thay. Do đó, các thiết chế trong quy định của luật cũng phải sửa đổi cho phù hợp, đáp ứng được nhu cầu nhà đầu tư và phát triển theo xu hướng chung hiện nay.
* Khi đã giảm việc cho thuê đất giảm xuống 70 năm thì chúng ta đã có những thiết kế kỹ thuật nào đối với các dự án đầu tư hạ tầng, cảng biển, sân bay vốn có thời hạn dài hơi để nhà đầu tư yên tâm, tiếp tục được hoạt động sau khi hết thời hạn giao đất?
* Chúng ta giao đất cho họ với thời hạn là 30 năm, 50 năm, 70 năm tùy từng dự án. Hiện nay với đất nông nghiệp chúng ta giao đất cho các hộ gia đình với thời hạn là 20 năm. Luật hiện hành đã quy định rất rõ, sau khi hết thời hạn 20 năm đó mà người sử dụng đất vẫn có nhu cầu, vẫn tiếp tục sản xuất kinh doanh hiệu quả, chấp hành tốt pháp luật, thực hiện tốt các yêu cầu về nghĩa vụ của Nhà nước thì sẽ tiếp tục được gia hạn và họ tiếp tục sử dụng chứ không phải giao lại. Tương tự, đặc khu cũng vậy, sau khi hết thời hạn 70 năm, nếu nhà đầu tư làm tốt thì sẽ tiếp tục được gia hạn.
* Vậy tại sao ngay ban đầu đưa ra mức 99 năm?
* Các nhà đầu tư chiến lược có cam kết được đầu tư lâu dài nên rất mong muốn được thuê với thời gian như trên. Vì vậy, Chính phủ trình phương án như vậy, và đương nhiên chúng ta có luật quy định rất chặt chẽ. Thẩm quyền cho thuê đất 99 năm đó cũng không phải của tỉnh mà của Thủ tướng, quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, trên cơ sở của ý kiến cử tri, ý kiến ĐBQH sẽ tiếp tục xem xét xem tình hình hiện nay để quyết.
Theo kinh nghiệm từ các đặc khu trên thế giới thì việc căn cứ quy hoạch phát triển đặc khu là quan trọng nhất. Từ quy hoạch đó mới ra quy định cho việc giao đất là bao nhiêu, nhà đầu tư nào và làm gì ở đấy và cam kết phải tuân theo quy đúng định ở đó.
*Quy định nào để bảo đảm không có đất nước nào “độc quyền” đầu tư ở đặc khu?
* Làm sao có chuyện một nhà đầu tư, hay một quốc gia nào đó “mua” hết, đầu tư hết vào một đặc khu. Đầu tư phải còn phải theo quy hoạch của chúng ta chứ. Chỗ nào làm sân bay, cảng biển, dịch vụ... thì phải theo quy hoạch của chúng ta, chúng ta tự quyết. Đó là chủ quyền của chúng ta mà.
Khi nhà đầu tư đầu tư vào thì phải đúng quy hoạch của chúng ta, đâu phải anh thích làm gì thì làm. Bên cạnh luật về đặc khu thì chúng ta còn rất nhiều luật khác ràng buộc, nên chúng ta yên tâm là không có vấn đề gì ở đây.
* Đó là vấn đề mà dư luận đang rất lo lắng, rằng sẽ có một nhà đầu tư, một quốc gia nào đó đầu tư hết vào đặc khu?
* Đó là dư luận lo lắng, còn chúng ta không để chuyện đó xảy ra. Có những điều không được quy định tại luật đặc khu thì đã có quy định ở những luật khác mà nhà đầu tư phải chấp hành. Ví dụ luật quốc phòng an ninh, nhà đầu tư đầu tư vào đặc khu cũng phải chấp hành, đâu phải anh thích làm gì thì làm. Nhà đầu tư được kinh doanh tự do ở đặc khu với cơ chế thông thoáng nhưng không có nghĩa là muốn làm gì cũng được. Vì thế, theo tôi không nên ngại gì ở vấn đề này. Quyền tự quyết là của chúng ta.
Đặc khu đã đặt ra từ lâu, Nghị quyết của Đảng đã nói, Hiến pháp cũng đã quy định để có định hình về đặc khu. Luật này là cụ thể hóa Hiến pháp 20013, là tiến trình chung để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
*Bộ trưởng Bộ KH-ĐT khi trả lời báo chí khẳng định dự luật này không một từ nào nhắc tới Trung Quốc nhưng thực tế dự thảo có đề cập đến cư dân nước láng giềng chung biên giới với Quảng Ninh, do đó dư luận xã hội rất phản ứng?
*Bộ trưởng nói vậy cũng đúng thôi. Chúng ta làm đặc khu để thu hút các nhà đầu tư trên toàn thế giới, nếu nhà đầu tư nào đáp ứng yêu cầu của luật, đáp ứng các yêu cầu cơ chế chính sách đầu tư của chúng ta thì họ vào. Khi họ vào thì bình đẳng thực hiện các quy định, nghĩa vụ như nhau. Chúng ta không phân biệt nước nào. Ai vào cũng phải cam kết thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam thì mới được ưu đãi. Đương nhiên công nghệ cũng phải hiện đại, đáp ứng hết các yêu cầu. Nói chung là không có sự phân biệt nào. Kể các quy định về nhập cảnh cho người nước ngoài vào đặc khu để làm ăn thì cũng bình đẳng với mọi quốc gia. Chúng ta làm luật, công bố với quốc tế là bảo đảm bình đẳng, không có sự phân biệt. Nếu ai đến mà vi phạm luật, có biểu hiện xâm hại an ninh quốc gia thì sẽ bị xử lý theo quy định của luật pháp Việt Nam.
Những ưu đãi chúng ta đưa ra khi làm đặc khu phải có sự cân đối với các ưu đãi trong nước hiện nay cũng như của các đặc khu xung quanh chúng ta để bảo đảm sự cạnh tranh. Có thể phải có những ưu đãi lớn hơn thì mới cạnh tranh được vì chúng ta đi sau, nếu ưu đãi chúng ta thấp thì sẽ không cạnh tranh được, làm rất khó. Vì thế phải hết sức tính toán, cân nhắc.
Quan điểm của tôi thì hoàn toàn có thể thông qua được ngay ở kỳ họp này. Hiện nay kinh tế của chúng ta đã bão hòa về ưu đãi đầu tư, các vùng trọng điểm đang chững lại. Định hướng của Đảng là làm luật này để tạo ra cái mới, tạo ra được những mô hình phát triển mới cả về tổ chức, bộ máy. Đặc khu cũng mang tính chất thể nghiệm, tạo ra các cực tăng trưởng mới hiện nay cho Việt Nam, trên cơ sở đó có thể mở rộng ra nếu hiệu quả. Trung Quốc từ mấy khu kinh tế họ mở ra mấy chục khu, họ cũng thay đổi cơ chế chính sách liên tục. Cuộc sống là phải như vậy.
* HIện có quá nhiều ý kiến, vậy có nên lùi lại luật này?
* Dự thảo luật chỉ nên lùi lại nếu quá phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau. Luật này phức tạp nhưng đã được làm rất kỹ, chưa có luật nào làm công phu như luật này, tất cả các bộ ngành đều vào cuộc để làm, kỳ họp thứ 4 Quốc hội cũng đồng tình làm luật.
Luật có rồi là một vấn đề, còn sau này phải triển khai như thế nào thì chúng ta mới biết. Còn bây giờ ngồi mà yêu cầu phải tròn trĩnh mọi việc là rất khó. Dĩ nhiên, phải làm hết sức cẩn trọng, phải tiếp thu hết ý kiến của cử tri, nhân dân, ĐBQH. Luật do Quốc hội ban hành thì cũng có thể chỉnh sửa trong quá trình thực hiện.
Để lại kỳ sau thì cũng thế thôi, vì làm luật này đã rất công phu, đã đi học kinh nghiệm ở nước ngoài, thế giới họ cũng làm rất nhanh, vừa làm vừa sửa. Họ mời chào các nhà đầu tư rất nhanh, khi nhà đầu tư đến thì họ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư về thủ tục, trình tự đầu tư.
* Vậy có phải gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH trước khi bấm nút?
* Cái đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết. Nhưng cái gì đã rõ, đã tiếp thu ý kiến ĐBQH rồi thì không cần, chỉ xin cái gì còn quá ý kiến trái ngược.