Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23.
Báo cáo đề dẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23 và các chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát huy đầy đủ. Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt.
Để tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong giai đoạn tới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt sâu sắc quan điểm “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Hội thảo tổng kết lần này nhằm đánh giá toàn diện, đầy đủ, thực chất những kết quả đạt được, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết số 23. Trên cơ sở đó, đề xuất hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đồng chí chủ trì hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hội thảo sẽ tiếp thu, đón nhận các ý kiến trao đổi, thảo luận với tinh thần khoa học, cởi mở, thẳng thắn, là cơ sở để Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23 tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản tổng kết, nhất là những vấn đề cần bổ sung trong lý luận về đại đoàn kết toàn dân tộc và những vấn đề, yêu cầu mới do thực tiễn đặt ra. Trên cơ sở đó, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành văn bản về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.
Trình bày tham luận, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23, TPHCM triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.
Theo đồng chí, hệ thống MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội của TPHCM ngày càng hoạt động hiệu quả hơn; tập hợp nhân dân tham gia với Đảng, nhà nước xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn TPHCM.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM thông tin, thành phố có đầy đủ 54 dân tộc đang sống và làm việc, mỗi đồng bào dân tộc luôn giữ gìn và phát huy tốt bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tạo nên sự đa dạng văn hóa cũng như nét văn hóa đặc trưng của TPHCM.
Nhân dân các địa phương đến TPHCM sống và làm việc đã có nhiều đóng góp quý báu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội cho thành phố; đặc biệt phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, chung tay, đồng lòng cùng thành phố tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19. Sau khi đại dịch kiểm soát, các lực lượng, cộng đồng doanh nghiệp đã chung tay thực hiện các mục tiêu phục hồi kinh tế.
“Những hành động đẹp, sự hy sinh, chia sẻ của đồng bào cả nước không những giúp TPHCM có thêm nguồn lực chống dịch mà còn minh chứng sinh động về phát huy vai trò của nhân dân. Đó còn là biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đang lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, góp phần củng cố tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thực sự là động lực và sức mạnh để TPHCM vượt qua mọi khó khăn, thách thức”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải trình bày tham luận. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Thời gian qua, TPHCM xây dựng “thành phố nghĩa tình” và phẩm chất nghĩa tình của của nhân dân thành phố luôn đồng hành, ngày càng được phát huy và vun đắp trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển. Phẩm chất nghĩa tình của nhân dân thành phố thể hiện ở góc độ “cùng cả nước, vì cả nước” với vai trò chính trị đặc biệt, TPHCM thường xuyên hỗ trợ các tỉnh bạn, kể cả các tỉnh thuộc các nước bạn trên thế giới còn khó khăn. Tinh thần phát huy sức dân chăm lo cho dân lan tỏa khắp nơi, đầy ắp nghĩa tình thể hiện qua nhiều hoạt động của đoàn thể, tổ chức xã hội.
Cùng với đó, Thành ủy TPHCM quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để tạo nguồn, đề bạt vào những cương vị lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước qua việc triển khai thực hiện hiệu quả chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi và chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cũng nêu lên một số hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 23. Theo đồng chí Nguyễn Hồ Hải, những hạn chế, khó khăn này có thể cũng là những hạn chế, khó khăn chung của một số tỉnh, thành. Đó là trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, xây dựng, đô thị và công tác quản lý cán bộ còn hạn chế, chưa sâu sát, không kịp thời.
Một hạn chế khác đó là tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hiệu quả; tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, có giai đoạn kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp…
Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23 tổ chức Hội thảo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23 - NQ/TW. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Cũng tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh đến nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của thành phố.
Trong đó, Thành ủy TPHCM đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan đơn vị trong việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; giỏi về nghiệp vụ, với phương châm “giỏi một việc, biết nhiều việc”, gương mẫu, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Cùng với đó, lãnh đạo thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp thực tiễn địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp trên các lĩnh vực với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Song song đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chương trình đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học hiến kế, góp ý xây dựng và phát triển TPHCM; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị… Phát huy vai trò, sức mạnh của hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của TPHCM, các hội quần chúng trong tập hợp rộng rãi các giới, các ngành, cá nhân tiêu biểu và nhân dân gắn với thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ cơ sở.
Ngoài ra, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát quyền lực khi TPHCM thực hiện chính quyền đô thị, không còn tổ chức HĐND quận, phường. Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số, tạo chuyển biến cơ bản về cải thiện môi trường đầu tư, phấn đấu đưa TPHCM trở lại nhóm dẫn đầu các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
TPHCM phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu “xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”; phát huy phẩm chất đặc trưng, tiêu biểu của thành phố thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh phù hợp trong tình hình mới.
Quán triệt Nghị quyết 23, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bình Định đã triển khai 4 nhiệm vụ. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với cách làm linh hoạt, sáng tạo, tỉnh Bình Định đã huy động nguồn lực của các tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định kiến nghị cần ban hành nghị quyết mới để tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần đại đoàn kết dân tộc; sớm rà soát, sửa đổi bổ sung, ban hành các chính sách liên quan đến phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, vai trò của tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.