Trước tình hình trên, TP đề ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả. Trong đó, phổ biến dịch vụ công trực tuyến ngay từ cấp phường, xã thông qua hoạt động hỗ trợ, tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm.
Dịch vụ trực tuyến do Phòng Quản lý xuất nhập cảnh
Công an TPHCM cung cấp rất được lòng người dân
Công an TPHCM cung cấp rất được lòng người dân
Kết quả chưa như kỳ vọng
Tổng điểm Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trên địa bàn TPHCM năm 2016 là 34,9; nằm trong nhóm trung bình thấp, đứng thứ 44/63 tỉnh, thành. Đáng chú ý, TP có chỉ số nội dung cung ứng dịch vụ công tăng từ 7,4 lên 7,5 điểm, đứng thứ 6 cả nước; trong khi chỉ số về thủ tục hành chính công giảm từ 7,05 xuống 7 điểm, xếp thứ 44/63 tỉnh, thành. Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM nhìn nhận, hiện kết quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân chưa được như kỳ vọng; số lượng người dân, doanh nghiệp (DN) sử dụng dịch vụ ở các đơn vị, cơ sở chưa đồng đều. Đơn cử, tất cả DN đều làm thủ tục thông báo mẫu con dấu qua internet như hướng dẫn, tuy nhiên chỉ có 67,5% DN thông báo trực tuyến khi thay đổi nội dung đăng ký DN. Hay việc cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc trực tuyến ở Sở Giáo dục - Đào tạo đạt tỷ lệ 100%; còn tại Sở Thông tin - Truyền thông, thủ tục thẩm định xuất bản phẩm nhập khẩu không kinh doanh thực hiện trực tuyến chỉ đạt mức 84%. Theo ông Võ Minh Thành, Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở Thông tin - Truyền thông), đối tượng sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại sở, ngành thường là DN và tổ chức, còn ở cấp quận, huyện thì chủ yếu là gia đình, cá nhân. Đối với cấp này, dịch vụ công trực tuyến tương đối đơn giản hơn, trừ một số thủ tục cần nhiều giấy tờ đi kèm theo quy định (như xin cấp phép xây dựng). Ở không ít địa phương, người dân có nhu cầu nhưng vẫn thấy ngại việc tìm hiểu, tiếp cận với phương thức tương tác mới. Truy cập website UBND quận, huyện, nhiều người bối rối khi giao diện website thể hiện nhiều nội dung, chưa có hướng dẫn cụ thể. Do đó, nội dung tuyên truyền, phổ biến về dịch vụ công trực tuyến cấp quận, huyện trở xuống cần chi tiết, gần gũi với đời sống, phù hợp với trình độ người dân hơn nữa. Giúp người dân tạo thói quen Trước tình hình trên, UBND TPHCM ráo riết thực hiện nhiều giải pháp cải thiện, nâng cao PAPI. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đề ra là cải thiện và nâng cao PAPI cấp phường, xã, thị trấn. Trong đó, công tác tư vấn, hỗ trợ là giải pháp ban đầu, nhằm tạo thói quen tận dụng dịch vụ trực tuyến cho người dân. Ông Võ Minh Thành cho biết, TP chủ trương triển khai dịch vụ công trực tuyến theo chiều sâu bằng cách phổ cập những dịch vụ “đắt khách”; nghiên cứu giảm thời gian xử lý, tăng tiện ích dịch vụ. Đặc biệt, UBND quận, huyện nhận nhiệm vụ thành lập tổ hỗ trợ, tư vấn tại bộ phận tiếp nhận; trả kết quả giải quyết hồ sơ ngay tại các đơn vị và UBND phường, xã, thị trấn. Nòng cốt tổ tư vấn là đoàn thanh niên. Hoạt động trên tuy mới triển khai nhưng đã tạo ra hiệu ứng đáng khích lệ. Đơn cử, từ tháng 6 đến nay, quận 4 là địa phương điển hình có tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tăng cao (lĩnh vực kinh tế đạt tỷ lệ 88%, an toàn vệ sinh thực phẩm đạt 96%...). Theo ghi nhận, hiện quận 4 và quận Bình Tân có mô hình tổ tư vấn dịch vụ công hoạt động hiệu quả tại UBND phường. Các địa phương khác vẫn đang trong quá trình triển khai công việc này. “Đối với cấp quận, huyện trở xuống, công tác tuyên truyền, hướng dẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Từ đầu năm đến nay, TP đẩy mạnh chủ trương trên về cơ sở, yêu cầu lãnh đạo địa phương sâu sát, báo cáo tình hình hàng tháng. TP luôn sẵn sàng những giải pháp liên quan đến dịch vụ công trực tuyến (hạ tầng kỹ thuật, phầm mềm trực tuyến…). Do vậy, địa phương chỉ cần tích cực, bám sát thực tế là có thể phổ biến lợi ích hình thức trực tuyến khi sử dụng dịch vụ công. Đồng thời, TP mong muốn cá nhân, tổ chức chủ động góp ý, giúp chính quyền hoàn thiện các chương trình dịch vụ công trực tuyến”, ông Thành nhấn mạnh. Nắm sát tình hình thực tế dưới cơ sở, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các ban, ngành, quận, huyện tiếp tục tăng số lượng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Mọi cấp chính quyền thường xuyên khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ, nhất là lĩnh vực cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, đăng ký kinh doanh và các dịch vụ công thực hiện tại UBND phường, xã, thị trấn. Về nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công, các địa phương phải duy trì hiệu quả tương tác giữa chính quyền với người dân bằng nhiều kênh thông tin. Mọi cơ quan, đơn vị tiếp tục những giải pháp tập trung xây dựng, phát triển chính quyền điện tử; tăng tiện ích nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
UBND TPHCM vừa phê duyệt Đề án đánh giá Chỉ số cải cách hành chính của sở, ban, ngành, UBND quận, huyện trên địa bàn TP năm 2017. Đề án nêu rõ nội dung đánh giá chia thành 2 nhóm: kết quả thực hiện cải cách hành chính và tác động của công tác cải cách hành chính. Dựa trên các tiêu chí, thang điểm, lãnh đạo, nội bộ các đơn vị sẽ tự đánh giá, xếp loại. Nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch, đại biểu HĐND và Ủy ban MTTQ cùng tham gia chấm điểm. UBND TP lấy kết quả đánh giá chỉ số cải cách hành chính làm điều kiện xét thi đua, khen thưởng.