Xuất khẩu tăng trưởng tích cực
Từng tạo cơn sốt ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản với loạt sản phẩm bánh Kenju, bánh gạo Jinju, bánh yến mạch Oatmeal, tháng 6 vừa qua, Công ty CP Thực phẩm Richy tiếp tục đưa những dòng sản phẩm này chinh phục thị trường Mỹ qua hệ thống siêu thị Saigon Market và Mekong Market. Chia sẻ về niềm vui này, bà Nguyễn Thị Bích Sơn, Giám đốc nhãn hàng Công ty CP Thực phẩm Richy miền Nam, cho biết, để được xuất khẩu vào các nước nói trên, đối tác đã có nhiều cuộc khảo sát, thậm chí sang tận nơi để đánh giá vùng trồng, đầu vào nguyên liệu cùng nhiều tiêu chí khác.
Trong đó, nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn an toàn là bắt buộc nhưng chưa đủ. Để có thể “bắt tay” cùng đối tác nhập khẩu đưa hàng vào thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp đã không ngừng tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới mang bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam. Theo tiết lộ của bà Sơn, ngoài 3 thị trường nói trên, các dòng thực phẩm chế biến của doanh nghiệp này hiện đã có mặt tại hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần đóng góp lớn vào con số 2.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho công ty.
Tương tự, Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia (Lương Gia Food) hiện đã xuất khẩu các sản phẩm trái cây sấy dẻo, ngũ cốc… đến khoảng 20 quốc gia trên thế giới, với doanh thu tăng trưởng đều đặn 20% mỗi năm. Theo bà Lương Thanh Thúy, Tổng Giám đốc Lương Gia Food, để chinh phục người tiêu dùng thế giới, sản phẩm của doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng, hương vị đặc trưng khác biệt, phải đạt các chứng nhận BRC, FSSC, ISO, HACCP, và các chứng nhận phù hợp theo tiêu chí bắt buộc của từng khu vực, như chứng nhận FDA, Halal.
Đánh giá về hoạt động xuất khẩu của ngành chế biến thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), khẳng định, ngành chế biến lương thực thực phẩm là ngành duy nhất có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thuộc về khối nội cao hơn khối ngoại. Hiện các doanh nghiệp trong nước đã tận dụng tối đa tính đặc sắc trong nông sản, trái cây Việt Nam để chế biến thành những thực phẩm chỉ có riêng của Việt Nam.
Do vậy mà vị thế nhóm hàng thực phẩm chế biến mang thương hiệu Việt ngày càng có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như trên thị trường thế giới. Hầu hết doanh nghiệp thuộc FFA đều có đơn hàng đến hết tháng 12-2024. Cá biệt có một số đơn vị đã nhận hàng đến hết quý 1-2025. Điều này đã và đang góp phần giúp doanh thu xuất khẩu các mặt hàng lương thực thực phẩm tăng mạnh 35% trong 7 tháng đầu năm nay, khi đạt hơn 3 tỷ USD, chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung của TPHCM.
Hỗ trợ nguồn vốn để xanh hóa
Mặc dù ở hiện tại các doanh nghiệp chế biến thực phẩm của TPHCM đang tăng trưởng tốt với doanh thu khả quan, nhưng xu hướng sắp tới sẽ có nhiều thay đổi đòi hỏi phải đáp ứng. Cụ thể như ở thị trường châu Âu, từ đầu năm 2025 sẽ bắt buộc các sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chí xanh. Thông tin thêm về xu hướng này, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết, hiện nay các xu hướng phát triển bền vững trong ngành lương thực thực phẩm liên tục được cập nhật và phát triển, bao gồm các khía cạnh về an toàn thực phẩm, đảm bảo tính xanh, bền vững trong việc sử dụng các nguồn nguyên liệu hữu cơ; tái sử dụng, tái chế chất thải hoặc sản phẩm dư thừa từ quá trình sản xuất cho đến những biện pháp hạn chế sử dụng nhựa và giảm bao bì nói chung. Bà Phan Thị Thắng cho rằng, đây là thách thức nhưng đồng thời cũng sẽ là cơ hội để lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm của Việt Nam thay đổi và phát triển.
Từ góc độ của doanh nghiệp, theo bà Lý Kim Chi, mặc dù biết rằng xanh hóa là yêu cầu bắt buộc nhưng nhiều doanh nghiệp chưa biết phải bắt đầu “xanh” từ đâu, hoặc biết nhưng lại không có đủ tài chính để triển khai thực hiện. “Đây là bài toán khó, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng và ngành ngân hàng có các hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp đầu tư xanh hóa sản xuất. Cụ thể là dành khoản ưu tiên nhất định cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có đầu tư vào xanh hóa”, bà Lý Kim Chi chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), khẳng định, nguồn vốn là vấn đề rất quan trọng cho việc xanh hóa. Hiện TPHCM được Quốc hội thông qua Nghị quyết 98, từ đó ban hành Nghị quyết 09 về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM. Trong đó, việc thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ được hỗ trợ lãi suất 100%.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết thêm, HFIC được giao làm đầu mối cho vay và hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 09. Đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ, lập tổ công tác để thực hiện. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận để được hỗ trợ sớm nguồn vốn vay và hỗ trợ lãi suất vay, tạo nội lực để chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Quan trọng là bắt kịp xu hướng thương mại xanh, tránh được nguy cơ đóng cửa thị trường khi các thị trường xuất khẩu chính thức áp dụng rào cản xanh đối với hàng hóa nhập khẩu.